Ngày 27/10, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công Thương về 5 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng đang triền miên thua lỗ và đứng trước nguy cơ mất vốn, phá sản, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đối với Bộ Công Thương, Trung ương đã kiểm tra và trách nhiệm của các vị đó đã được phân tích rất rõ ràng. Tuy nhiên, để xảy ra sai sót như thế này là không hề nhỏ, không phải là vấn đề đơn giản.

ong_dang_tuan_phong_xejg.jpg
ĐBQH Đặng Thuần Phong 
Ông Phong nhấn mạnh: Nếu chỉ để xảy ra một đến 2 chuyện, chúng ta không nói gì nhưng đây là cả một quá trình, có hệ thống. Như vậy, chúng ta phải xác định rõ bên trong là vấn đề gì? Cử tri muốn biết rõ vấn đề cụ thể ra sao. Nếu phơi bày được nguyên nhân từ bên trong, chúng ta mới có hướng xử lý chứ không phải là chỉ chuyện quy trách nhiệm đơn thuần và cảnh cáo là xong.

“Tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho biết, họ không tán thành với cách xử lý như vậy. Chúng ta đã có Luật Bồi thường Nhà nước, ai làm gì sai đều phải có cơ chế bồi thường.

Các cơ quan tiến thành tố tụng thậm chí xử một vụ án oan cũng phải bồi thường Nhà nước, cá nhân họ cũng phải chịu trách nhiệm cho việc làm sai của họ. Nhưng tại sao ở Bộ Công Thương có nhiều vấn đề như thế lại không thấy nói gì đến bồi thường, không thấy trách nhiệm là ai phải chịu và chịu ở mức độ nào? Cử tri đánh giá là chưa có sự công bằng trong quá trình xử lý các vi phạm hiện nay”, ông Phong nói.

Ông Phong nêu rõ: Sắp tới, trong hệ thống pháp luật chúng ta cũng phải cần nghiên cứu tính toán thật kỹ. Đặc biệt, trong các giải pháp điều hành, Chính phủ phải làm nghiêm ở những vụ việc đó để lấy lại niềm tin của nhân dân.

Liên quan đến việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao tại các doanh nghiệp lớn của Nhà nước vẫn có tình trạng cài cắm “con ông cháu cha” dẫn đến việc làm ăn thua lỗ, mất vốn của một số doanh nghiệp, dự án lớn vừa qua, ông Phong cho biết, ông đã nhiều lần đề cập đến vấn đề này.

“Ai cũng nói rằng, mỗi lần bổ nhiệm đều đúng quy trình nhưng nếu đúng quy trình như vậy sao lại hiệu quả lại không cao và làm cho dư luận có ý kiến như vậy?”, ông Phong nêu ý kiến.

Vì vậy, ông Phong đề nghị phải rà soát tổng thể. Rà soát không đơn giản là nhận diện. Khi đã nhận diện các trường hợp nào, chúng ta phải xử lý nghiêm để không còn hệ lụy nữa. Hệ lụy dẫn đến việc “tìm người tài khó hơn tìm người nhà” – nếu cứ như thế thì làm sao còn cơ hội cho người tài phát huy được năng lực của mình ở trong những lĩnh vực then chốt, đưa đất nước phát triển. Nếu vấn đề này còn tồn tại, không xử lý được sẽ là thảm họa về mặt nhân sự của đất nước.

Không riêng gì tập đoàn kinh tế mà tất cả ngành, các nghề cần rà soát lại vấn đề này theo tinh thần của Bộ Chính trị là cần giải quyết đội ngũ cán bộ hiện nay trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn chế, dân số ngày một già hóa dần và đang giai đoạn dân số vàng. Để người có trí tuệ, hiểu biết cần phát huy một cách tốt nhất, đó là cái không hay của dân tộc. Cho nên chúng ta phải có giải pháp tổng thể khi phát hiện sai phạm cần phải xử lý ngay.

Về vấn đề bổ nhiệm nhân sự tại Bộ Công Thương, mà cụ thể là đối với trường hợp Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, ông Phong nhấn mạnh: Các vụ việc trên Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận, bây giờ quan trọng là cách xử lý tiếp theo như thế nào.

Ông Phong phân tích: “Như tôi đã từng nói trước đây, với trường hợp Vũ Quang Hải, nếu anh ấy tự trọng nên xin rút. Quy trình đã công bố như vậy, dư luận cũng đã bày tỏ sự không đồng tình. Nếu có năng lực thực sự làm việc gì cũng được.

Vụ ông Trịnh Xuân Thanh "lọt lưới" đặt ra vấn đề trách nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương tính toán, quy hoạch, đề bạt đã vượt qua hết các quy định chung hoặc lập lờ trong công tác cán bộ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là bài học kinh nghiệm, không riêng gì Bộ Công Thương mà nhiều nơi khác cũng phải tính toán, có như thế người dân mới tin thực sự vào đất nước.

Việc sử dụng đội ngũ cán bộ, nếu con của các đồng chí lãnh đạo thực sự giỏi, điều đó rất tốt cho đất nước, nhưng chỉ có điều là cứ đưa vây cánh vào mà quên đi những yếu tố khác, những tài năng khác thì đó lại là thiệt thòi của dân tộc”.

“Tôi nghĩ rằng, các đại biểu Quốc hội khác cũng sẽ đồng tình với tôi đó là sau khi rà soát kỹ càng đã nhận diện ra được phải có xử lý, có vậy mới tạo được niềm tin cho nhân dân và đặc biệt là cho lực lượng lao động trẻ hiện nay.

Từ góc độ Đảng, với những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đánh giá ở mức kỷ luật cảnh cáo nhưng nếu khởi tố phải xem các sai phạm về mặt pháp luật như thế nào cần phải điều tra, đánh giá. Bên Đảng chỉ kiểm tra chỉ xử lý về mặt Đảng, còn những vấn đề liên quan khác phải điều tra tiếp”- ông Phong nói./.