Chiều 16/4, Đoàn đại biểu quốc hội Hà Nội đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi)trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13.

Nội dung được các đại biểu tập trung cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) là việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, tiêu chuẩn của công chứng viên, chứng nhận bản dịch giấy tờ…

Về việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, nhiều ý kiến đề nghị giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước để tạo thuận tiện cho người dân, đồng thời giảm áp lực cho các cơ quan hành chính. Một số ý kiến lại cho rằng, không nên giao cho công chứng viên thực hiện các công việc mang tính chất chứng thực vì hoạt động công chứng hiện nay đang phát triển theo hướng công chứng về nội dung, phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức.

Về tiêu chuẩn công chứng viên, bà Nguyễn Thị Phương Trung, Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm nêu ý kiến: “Về tiêu chuẩn của công chứng viên tôi xin được đề nghị thay cụm từ: Bằng cử nhân Luật -tức quy định tiêu chuẩn thì tôi đề nghị thay bằng cụm từ có bằng cử nhân luật trở lên. Bởi vì có những người có bằng cử nhân, nhưng cũng có những người là thạc sỹ. Nếu mình chỉ dùng từ có bằng, thì không chuẩn xác lắm tại điều 8, 9, 17 của dự thảo luật”.

Hầu hết các ý kiến đồng tình với điều chỉnh của Dự thảo Luật theo hướng giao cho công chứng viên nhiệm vụ công chứng bản dịch giấy tờ. Một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định công chứng viên cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và việc chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội./.