Ngày 20/2, tại trụ sở Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga diễn ra Hội thảo bàn tròn với chủ đề “Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc: sự tìm kiếm đồng thuận khó khăn” nhân dịp 40 năm kể từ khi xảy ra chiến tranh biên giới năm 1979.

hoi_thao_vn_tq_vov_pbwj.jpg
Viện Nghiên cứu của Nga tổ chức Hội thảo Hội thảo bàn tròn về cuộc chiến tranh biên giới 1979

Tham gia Hội thảo có nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu của Nga về Việt Nam, chuyên gia Trung Quốc, học giả đến từ Việt Nam, cùng đông đảo sinh viên đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học tại thủ đô Moscow.

Chủ đề Hội thảo lần này bàn về mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc, thu hút sự quan tâm của các học giả bởi cả hai nước đều là đối tác chiến lược của Nga.

Hội thảo gồm hai phần chính. Phần thứ nhất có tựa đề “Cuộc chiến bị lãng quên: Động cơ, hậu quả và bài học”; phần hai có tựa đề “Tình hình hiện nay: hợp tác và đối đầu”. Các tham luận trong Hội thảo đã tập trung phân tích và tổng kết các sự kiện, tình hình thực tế gắn với bối cảnh lịch sử. 

Các nhà nghiên cứu đã thảo luận một cách toàn diện, khách quan động cơ, hậu quả và bài học lịch sử của cuộc xung đột, cũng như quá trình bình thường hóa lâu dài quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc; đánh giá ảnh hưởng của quá khứ đến tình trạng quan hệ hiện tại giữa hai nước và rộng hơn đến bối cảnh khu vực. 

Đề cập quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau 40 năm xảy ra cuộc chiến tranh biên giới, ông Grigory Lokshin - cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp-Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN (Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga), nhấn mạnh đến bài học kinh nghiệm được rút ra để hướng tới xây dựng quan hệ hai nước láng giềng ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhà nghiên cứu người Nga cho rằng, rút kinh nghiệm từ những bài học trong quá khứ là rất quan trọng để xây dựng mối quan hệ hiện tại giữa Việt Nam và Trung Quốc. "Mặc dù vẫn còn những vấn đề tồn đọng, nhưng chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng những vấn đề đó sẽ được giải quyết trên tinh thần tự nguyện, hoà hợp, vì lợi ích hai dân tộc”, ông Grigory Lokshin nhấn mạnh./.