Chiều 27/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, tiếp tục các hoạt động trong chương trình đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, diễn ra buổi giao lưu giữa các điển hình tiên tiến với các đại biểu tham dự Đại hội.
Tìm đường cho ... trứng gia cầm
Gương mặt các đại biểu luôn nở nụ cười trong suốt phần giao lưu với bà Phạm Thị Bá Huân (Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân 22 Nguyễn Đình Chi, phường 9, Quận 6 TP HCM) bởi cách nói chân chất, rất thật và rất “nông dân” của bà.
Bà Huân “buôn” trứng gia cầm từ năm 12 tuổi. Vào tháng 7/2001, Công ty TNHH Ba Huân ra đời với vốn điều lệ 8 tỉ đồng đánh dấu một bước phát triển mới trong hành trình kinh doanh ngành trứng gia cầm của bà.
Năm 2003, một thiên tai đã xảy ra khi dịch cúm gia cầm hoành hành, người nông dân và người kinh doanh trứng gia cầm đều lao đao. Những trại gà trại vịt hàng trăm, hàng ngàn con, những xe trứng gom đầy chuẩn bị lăn bánh, sau một đêm bỗng thành con số không, trắng tay, phá sản. Các doanh nghiệp chế biến thực phẩm có nguyên liệu trứng gia cầm cũng đứng trước muôn vàn khó khăn vì không ai dám dùng trứng do sợ dịch bệnh.
“Nhớ lại những tháng ngày đó, trong tôi không khỏi thảng thốt và bàng hoàng. Tôi đi khắp vùng quê, đâu đâu cũng chỉ là cảnh đau lòng của người nông dân vì không còn phương tiện sản xuất. Tôi đóng của nằm nhà mà vật vã chẳng khác nào gà rù, vịt dịch. Gom góp một ít tiền, tôi quyết định đi nước ngoài để xem ở các nước họ xử lý trứng gia cầm như thế nào. Hết châu Á tôi sang châu Âu. Rồi thật may tôi tìm ra hãng sản xuất thiết bị xử lý trứng gia cầm hàng đầu thế giới là Moba ở tại Hà Lan” – bà Huân tâm sự.
Bộc bạch với các đại biểu, bà Huân nói: “Mặt hàng trứng tuy nhỏ mà lớn, vì thành phần kinh tế nào cũng tiêu thụ trứng. 4 năm nay, công ty của tôi đưa ra 1 triệu quả/ngày cho thị trường TP HCM. Chúng tôi đưa trứng vào hàng nghìn điểm bình ổn để đưa tới tận tay người tiêu dùng” .
Trả lời câu hỏi vì sao mà bà Huân lại có được thành công như ngày hôm nay dù đã từng đứng trước bờ vực phá sản, bà Huân nói: “Tôi già trước tuổi. Ai gặp tôi cũng gọi bằng bác vì tôi lao động rất miệt mài. Tôi không có trình độ nhưng tôi biết học hỏi kinh nghiệm từ ti vi, sách báo. Hiện, tôi nhận trách nhiệm bình ổn giá trứng cho thành phố. Tôi phải phấn đấu hết sức mình để hoàn thành trách nhiệm này”.
Bà Huân cũng bày tỏ niềm tự hào khi ký kết thành công hợp đồng với Tập đoàn Moba (Hà Lan). “Khi ký hợp đồng xong lá cờ Việt Nam được treo lên, trong tim tôi nhói lên một điều gì đó khó tả, vì mình đã làm được gì đó cho đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng hoa cho các đại biểu |
Trùm khoai lang Ba Hạo
Ông Đỗ Quý Hạo, Chủ trang trại khoai lang Ba Hạo, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Hiện trang trại đang sản xuất 52 ha. Mỗi năm sản xuất 2 vụ khoai lang xuất khẩu, sản lượng 2.500 tấn/năm.
Tôi cũng như bao bà con nông dân khác, chân lấm tay bùn, cần cù, tiết kiệm, một nắng hai sương trên đồng ruộng, mà vẫn thiếu trước, hụt sau. Sản xuất thì mùa trúng, mùa thất, hàng hoá làm ra nhiều khi không bán được. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, mình thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và kinh doanh: “Làm gì cũng phải học!”, đó là chân lý. Vì thế tôi quyết định đi tìm kiến thức, do trình độ văn hóa tôi chưa hết phổ thông nên tôi đã tìm sách các môn Toán, Hóa, Sinh từ lớp 8 đến lớp 12 về tự học.
Từ những bức xúc trong thực tế sản xuất, ruộng thì rộng, nhân công lại khan hiếm, ông Hạo nảy sinh ra ý tưởng thành lập xưởng cơ khí để chế tạo các thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất. Lúc đầu đã chế tạo thành công máy lên luống tự động bón phân ông Hạo đặt tên là BH1 (Ba Hạo 1) công xuất 7ha/ngày (8 giờ) tương đương 200 người làm thủ công, máy thu hoạch BH2 (một ngày giảm khoảng 40 người nhân công và giảm hao hụt nông sản), máy phun thuốc bảo vệ thực vật BH3, máy làm cỏ kết hợp bón phân, máy đào mương… Các thiết bị tự chế này được sử dụng nhờ vào đầu máy kéo có công xuất 65 mã lực. Hiện nay những chiếc máy này đã được một số bà con nông dân đến tham quan học hỏi, tự “nhân bản” rồi đưa vào sử dụng tại cánh đồng khoai lang của Hòn Đất và Hà Tiên.
Vì yêu khoai lang nên ông Hạo đã tạo dựng Vườn sưu tập, gom góp nhiều giống khoai lang trên mọi miền của cả nước được 26 giống về để chăm sóc và tìm hiểu. “Để chắp cánh cho Khoai Lang Việt Nam đi xa hơn, được nhiều người biết hơn, tôi đã thiết lập website chuyên về khoai lang và truyền nghề cho các em sinh viên ngành Nông học” – ông Hạo cho biết.
Hiện nay ông Đỗ Quý Hạo đang trình lên Sở KH & CN và UBND tỉnh Kiên Giang đề án: Nghiên cứu Chế tạo Máy trồng Khoai lang. “Tôi tin rằng một ngày không xa những chiếc máy mang nhãn hiệu BH này, sẽ có mặt trên những cánh đồng của nhiều vùng miền trong cả nước” – ông Hạo nói.
Đau đáu vì đồng đội
Thượng tá Trần Hữu Lưu (người mặc quân phục) |
Chị Nguyễn Thị Viên (ở Quảng Trị) vợ Thượng tá Trần Hữu Lưu (Đội trưởng Đội qui tập mộ liệt sĩ 584 - Phòng Chính trị - Bộ chỉ huy Quân sự Quảng Trị) có 2 con bị nhiễm chất độc da cam, phải chịu cảnh tàn tật suốt đời. “Một năm có 7 tháng anh Lưu ở Lào và 5 tháng ở Việt Nam. Trong 5 tháng ấy, chỉ có thứ Bẩy và Chủ nhật anh ở nhà” – chị Nguyễn Thị Viên tâm sự.
Tháng 10/1996, anh Lưu được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị giao nhiệm vụ mới: Đội phó Đội 584 làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ.
"Khi nhận nhiệm vụ tôi rất băn khoăn, lo lắng, vì hoàn cảnh gia đình tôi hết sức khó khăn... Nhưng rồi tôi lại nghĩ, biết bao nhiêu đồng chí, đồng đội của mình đã hy sinh, cống hiến trọn đời cho quê hương, đất nước, nay chưa được quy tập về nghĩa trang, về với gia đình. Biết bao nhiều người bố, người mẹ đau đáu chờ con trong mỏi mòn khắc khoải... Nếu mình không thực hiện công việc này thì ai sẽ làm".
Anh Lưu cho biết: “Mỗi lần đi công tác ở nước bạn tôi lo nhất cuộc sống của gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn, các con đau yếu. Tôi phải động viên vợ con khắc phục khó khăn giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ”.
Thượng tá Trần Hữu Lưu đã chia sẻ một kỷ niệm mà ông cho là suốt đời không bao giờ quên. “Khi đơn vị tập kết nhận hài cốt liệt sĩ để đưa về nước thì nhận được thông tin có mộ liệt sĩ cách điểm tập kết 30 km mà không đi ô tô đến đó được. Chúng tôi phải hành quân 3 đêm. Thật cảm động, khi đến đó chúng tôi tìm được 28 bộ hài cốt. Khi quay trở về, lúc đó là mùa khô, bà con đốt rẫy. Vào giờ nghỉ đêm, chúng tôi tìm được một hố bom. Tôi huy động anh em đưa hài cốt xuống hố bom. Trong hố bom có ít nước nhưng chúng tôi quyết định không nấu cơm mà để dành nước giữ cho hài cốt liệt sĩ không bị cháy”.
Thông tin liệt sĩ ngày càng khó khăn, phức tạp, việc qui tập mộ như mò kim đáy bể. Vì thế, Thượng tá Trần Hữu Lưu cho biết: “Bí quyết của chúng tôi để tìm thành công mộ liệt sĩ là dựa vào dân. Vì thế, phải làm tốt công tác dân vận, cùng dân sản xuất, gặt lúa, làm rẫy, trị bệnh giúp dân, tăng gia sản xuất…”.
Trong buổi giao lưu chiều 27/12, các đại biểu được giao lưu với 12 cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực y tế, văn hóa, chống tham nhũng…/.