Từ ngày 19 – 21/11, tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt-Trung lần thứ 5 chính thức diễn ra với rất nhiều hoạt động có ý nghĩa. Đây là hoạt động hợp tác thường niên, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống chính trị, tinh thần của quân và dân vùng biên giới hai nước, góp phần khẳng định rõ nét hơn quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung. Nhân dịp này, phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh |
PV:Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, giao lưu quốc phòng biên giới Việt Nam- Trung Quốc lần thứ 5 tổ chức tại tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc). Tại sao hai bên chọn địa điểm này để tổ chức chương trình?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việc lựa chọn địa điểm tổ chức theo từng năm diễn ra luân phiên căn cứ vào điều kiện của cả Việt Nam và Trung Quốc sao cho thuận lợi nhất. Ta đã tổ chức ở Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Lai Châu và lần thứ 5 là Cao Bằng. Tuy nhiên năm nay chúng ta lựa chọn Cao Bằng cũng có ý nghĩa rất đặc biệt, vì Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về nước, có hang Pác Pó là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng Đảng, xây dựng sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Bên kia biên giới là Long Châu (Quảng Tây – Trung Quốc) có di tích lịch sử là cơ sở mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở đó. Trong giao lưu biên giới quốc phòng năm nay, lãnh đạo hai bên đi thăm các di tích này. Điều này thể hiện sự tri ân, cũng là thể hiện lịch sử quan hệ tốt đẹp Việt Nam- Trung Quốc từ trước tới nay.
Cao Bằng là địa điểm vừa thuận lợi để tổ chức hoạt động giao lưu biên giới với nhiều khoa mục, đồng thời cũng là địa điểm có tính biểu tượng cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.
PV: Cuộc giao lưu năm nay có điểm gì mới so với trước và hoạt động nào thu hút sự quan tâm của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng biên, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc giao lưu nào cũng thu hút sự chú ý và ủng hộ của người dân vùng biên, vì đối tượng cho hoạt động giao lưu biên giới là nhân dân. Làm sao để người dân vùng biên có một đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác, đường biên giới được quản lý chặt chẽ và phát triển, làm sao để người dân tham gia các hoạt động giao lưu có được niềm tin vào quan hệ bền vững giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, chúng ta tổ chức các hoạt động có ích cho nhân dân như giao lưu kết nghĩa giữa các địa phương hai bên biên giới, ví dụ như hai Bộ Quốc phòng cùng tặng công trình kỷ niệm, các nhà hữu nghị ở biên giới, tổ chức tuần tra chung để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật ở vùng biên, đảm bảo tốt cho bà con đi lại làm ăn và quan hệ tốt với nhau.
Qua 4 lần tổ chức giao lưu biên giới, người dân sát biên ở cả Việt Nam và Trung Quốc đều rất phấn khởi, mong muốn tham gia. Từ lần giao lưu đầu tiên đến năm nay là lần thứ 5, mỗi năm, Việt Nam và Trung Quốc đều bàn để tăng thêm, làm phong phú hơn các nội dung giao lưu biên giới.
Ví dụ năm nay là diễn tập tìm kiếm cứu nạn. Ở vùng biên giới thường xảy ra thiên tai như sạt lở đất đá, thì diễn tập tìm kiếm cứu nạn rất thiết thực cho đời sống của người dân. Đặc biệt năm nay có nhiều hoạt động chuẩn bị từ trước, cách đây 3-4 tháng là tổ chức khám chữa bệnh quân dân y của quân y hai nước; khám chữa bệnh cho nhân dân hai bên biên giới, cấp phát thuốc cho họ.
Việt-Trung đàm phán về vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và hợp tác biển
PV:Xin Thượng tướng cho biết ý nghĩa của chương trình giao lưu quốc phòng Việt Nam- Trung Quốc?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Thực ra phải nói lớn hơn là chiến lược đối ngoại biên giới quốc phòng giữa ta với các nước láng giềng mà cụ thể là giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia trên bộ, giữa Việt Nam với Thái Lan và một số nước ở vùng vịnh Thái Lan… Đảng, Nhà nước, Quân ủy TƯ và Bộ Quốc phòng đặc biệt coi trọng mối quan hệ này. Mối quan hệ này giữ gìn phên dậu cho đất nước, giữ gìn đường biên giới. Việc đảm bảo đường biên giới hòa bình, hữu nghị không chỉ là bảo vệ biên giới, mà còn cần xây dựng đường biên giới phát triển, bảo vệ bằng sức dân, bằng tình hữu nghị, pháp lý và mối quan hệ giữa các cơ quan, lực lượng bảo vệ biên giới.
Cuộc giao lưu quốc phòng biên giới Việt- Trung được Quân ủy TƯ rất coi trọng, phía Trung Quốc cũng vậy. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức với Trung Quốc là cấp Thứ trưởng, lần thứ 2 cấp Bộ trưởng, lần thứ 3-4 là cấp Phó chủ tịch Quân ủy TƯ, và lần này là cấp Bộ trưởng. Lực lượng tham gia giao lưu ban đầu không nhiều, nhưng hiện có thể nói là tăng rất nhiều, chưa kể nhân dân. Hai bên thống nhất với nhau làkhông trình diễn, không phô trương mà đi vào thực chất, giúp nhân dân đi vào giải quyết những vấn đề của biên giới để vùng biên hòa bình, hữu nghị.
Như Việt Nam đã tổ chức thành công các cuộc giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị. Đầu tiên chỉ có Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia. Năm vừa rồi mở rộng thêm Thái Lan, Myanmar và chúng ta đã mời thêm các nước ASEAN khác. Với Trung Quốc có một điểm rất thú vị là sau khi tổ chức giao lưu quốc phòng biên giới với Việt Nam thì Trung Quốc cũng đã tổ chức thêm giao lưu quốc phòng biên giới với Lào, Myanmar, và một số nước ở phía Tây Trung Quốc cũng theo mô hình này. Đây là mô hình Trung Quốc đang nhân rộng ra với các nước láng giềng.
Tại Hội nghị ADMM+ ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đưa ra tổ chức giao lưu sỹ quan trẻ ASEAN và Trung Quốc, chúng ta đồng tình và Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã mời đại diện của các nước ASEAN tham gia với tư cách quan sát viên trong giao lưu biên giới để rút kinh nghiệm. Chúng ta sẵn sàng tổ chức giao lưu hình thức này trong tương lai. Các nước ASEAN đều bày tỏ sự quan tâm và hào hứng với việc được mời làm quan sát viên ở những lần giao lưu năm sau.
PV: Theo Thượng tướng, các nước nhìn nhận thế nào về cuộc giao lưu biên giới Việt Nam- Trung Quốc?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Mỗi lần tổ chức giao lưu quốc phòng biên giới, sau đó tôi dự các hội nghị về quốc phòng quân sự của ASEAN hay ADMM+, ta đều thông báo nội dung kết quả trong giao lưu quốc phòng biên giới với Trung Quốc.
Các nước đều bày tỏ sự quan tâm và khâm phục khi Việt Nam chủ động đưa ra sáng kiến rất thiết thực, bày tỏ rõ ràng mong muốn hòa bình của Việt Nam. Tại các hội nghị khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đều gặp nhau, trao đổi rất ý nghĩa xung quanh quan hệ quốc phòng song phương, thể hiện Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng. Lãnh đạo hai Đảng có những phương châm chung trong quan hệ hai nước, hai Đảng, hai quân đội.
Chúng ta thực hiện đúng sự lãnh đạo của Đảng, chủ động đưa ra các giải pháp, nội dung mới sáng tạo để đạt được yêu cầu cao nhất trong quan hệ quốc phòng nói chung và quan hệ quốc phòng với Trung Quốc nói riêng là quan hệ thực chất, đem lại hòa bình, hữu nghị thực chất, lợi ích thực chất cho cả hai nước.
Tăng cường hợp tác thực chất
PV: Thời gian qua, quan hệ hai nước phát triển rất tích cực, quân đội hai nước cần làm gì để thúc đẩy mối quan hệ này phát triển lành mạnh, ổn định, thưa Thượng tướng?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:Đầu tiên là nhận thức, cả hai nước cần nhận thức rằng hòa bình ổn định của anh là lợi ích của tôi. Nhận thức ấy không tự nhiên mà có, cần dựa trên hành động cụ thể. Muốn tăng cường quan hệ hai nước về quốc phòng, cần tăng cường hợp tác thực chất.
Điều kiện quan trọng nhất trong đối ngoại nói chung và trong quan hệ với Trung Quốc nói riêng là độc lập tự chủ, đa phương hóa đa dạng hóa, tích cực chủ động. Chúng ta không đặt vấn đề Biển Đông ra ngoài quan hệ hai nước. Tuy nhiên quan trọng nhất trong quan hệ quốc phòng là thẳng thắn với nhau. Ta không quanh co, né tránh, cần thống nhất với nhau một cách đầy đủ, tự giác, thực hiện phương châm chung của lãnh đạo hai Đảng là giải quyết mọi vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các hiệp định khu vực đã ký như DOC, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau.
Riêng với hai quân đội, cam kết với nhau không sử dụng vũ lực quân sự để xử lý những gì còn khác biệt về vấn đề Biển Đông. Đây là nội dung không bao giờ thiếu trong các cuộc gặp giữa lãnh đạo hai quân đội. Phía Trung Quốc cũng nhất trí điều này. Đây là nguyên tắc và chúng ta cũng nỗ lực giữ gìn để Biển Đông sóng yên biển lặng, giữ vững chủ quyền và hòa bình bền vững cho đất nước.
PV: Đối ngoại thông qua hoạt động giao lưu hợp tác biên giới đã trở thành điểm sáng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong thời gian tới, theo Thượng tướng, chúng ta cần cải tiến hoạt động này thế nào để mang lại hiệu quả thực chất hơn nữa?
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi nghĩ trước hết là duy trì hoạt động này. Qua mỗi lần giao lưu, cả hai bên đều có lợi ích, lợi ích về đại cục, lợi ích cho quan hệ hai quân đội và lợi ích ở khu vực biên giới nơi tổ chức giao lưu.
Trong giao lưu biên giới, chúng ta trao đổi các sáng kiến, nội dung, việc làm, quy chế để làm sao quản lý đường biên giới hòa bình hữu nghị, đúng luật pháp, giữ vững chủ quyền, tăng cường điều kiện tốt hơn cho người dân vùng biên. Mỗi lần giao lưu biên giới, mục tiêu nhắm đến là làm gì để đại cục được phát triển, quan hệ quốc phòng tin cậy, đường biên ổn định và người dân cảm thấy được hưởng lợi. Những năm vừa rồi chúng ta đã đạt được yêu cầu cao nhất đó. Và những năm sau Việt Nam cùng Trung Quốc sẽ đạt được những yêu cầu như vậy với mức độ cao hơn.
PV: Vậy chúng ta rút ra kinh nghiệm gì qua những lần tổ chức giao lưu, thưa Thượng tướng
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh:Kinh nghiệm và bài học lớn nhất đó là đất nước muốn ổn định, bình yên và giữ được chủ quyền thì phải có đường biên giới ổn định và phát triển. Đường biên giới ấy không chỉ là đường biên về mặt pháp lý mà phải là xuất phát điểm cho mọi hoạt động hợp tác giữa hai nước.
Tôi mong muốn làm sao để cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, trình độ sản xuất, cơ chế hợp tác kinh tế biên giới được quan tâm nhiều hơn. Nói là giao lưu quốc phòng biên giới, nghĩa là không chỉ có quân đội, mà cần huy động cả hệ thống chính trị, cả người dân tham gia giao lưu như lực lượng công an, quân sự, cấp ủy chính quyền, hiệp hội phụ nữ, thanh niên…Tất cả tạo ra mối quan hệ rất đời thường, nhưng tạo ra không khí hữu nghị để xử lý các vấn đề biên giới.
PV: Xin cảm ơn Thượng tướng./.