Sáng nay (25/10) tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã diễn ra phiên khai mạc Diễn đàn Hương Sơn - Bắc Kinh lần thứ 8 với chủ đề " Xây dựng quan hệ đối tác an ninh kiểu mới bình đẳng, tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng thắng”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại phiên khai mạc.

vov_ngo_xuan_lich_1_bzif.jpg
Khai mạc Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 8

Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể về chủ đề quản trị an ninh quốc tế, Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch nêu rõ, những diễn biến an ninh trên thế giới gần đây có nhiều vấn đề vượt ra ngoài dự báo thông thường. Không phải lúc nào Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế cũng được tôn trọng. Khi lợi ích cục bộ, chủ nghĩa đơn phương bị đẩy cao thì những thách thức đối với hiệu quả quản trị an ninh quốc tế cũng như đối với vai trò của Liên hợp quốc và các cơ chế đa phương càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho rằng, để quản trị an ninh quốc tế tốt hơn, các nước cần củng cố vững chắc, thực chất hơn nữa các thể chế và cơ chế hợp tác. Các cơ chế hợp tác đa phương không chỉ giúp cho các quốc gia tìm kiếm cơ hội cùng phát triển, mà hơn nữa còn để giải quyết các bất đồng, tranh chấp và xung đột giữa các bên, coi đó như một nhân tố mới làm thay đổi nền chính trị thế giới hiện đại và thúc đẩy sự chuyển động định hình cấu trúc an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, trong số các tổ chức và cơ chế hợp tác an ninh khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có đóng góp quan trọng vào hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và quản lý xung đột. Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, đã có 37 quốc gia ngoài ASEAN, bao gồm tất cả các nước lớn và các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham gia, điều đó chứng tỏ hiệu quả và thành công của ASEAN trong quản trị an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại phiên khai mạc

Một trong những thành công của ASEAN là cùng Trung Quốc thông qua Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tích cực đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng không và hàng hải tại một vùng biển có tầm quan trọng bậc nhất đối với thương mại toàn cầu. Xây dựng COC không chỉ giải quyết vấn đề an ninh có nhiều nét đặc thù mà còn nhằm cụ thể hóa luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và cam kết của các bên liên quan thành một bộ quy tắc, chuẩn mực ứng xử nhằm bảo đảm an ninh khu vực.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, Việt Nam đang chuẩn bị để đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, trong đó mục tiêu tăng cường hợp tác với các nước trong và ngoài khu vực giải quyết các thách thức an ninh chung. Việt Nam cũng đã đảm nhiệm thành công vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2008 - 2009 và sẵn sàng đảm nhiệm vị trí này trong nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, theo từng bước đi phù hợp với khả năng và điều kiện của mình.

Đối với vấn đề trên biển, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam chủ trương kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ quy định của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 và Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam -  Trung Quốc, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; đảm bảo lợi ích của hai nước, đồng thời tôn trọng lợi ích chính đáng của tất cả các quốc gia khác; thông qua đối thoại để kiểm soát tốt những vấn đề tồn tại, không để ảnh hưởng đến cục diện tốt đẹp của quan hệ hai nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Kết thúc bài phát biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, phương châm của Việt Nam trong tiến trình tham gia vào hợp tác quản trị toàn cầu, quản trị an ninh quốc tế là dung hòa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích chung của cộng đồng, khu vực và thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế và những luật chơi chung để mang lại công bằng và lợi ích cho tất cả các bên./.