Thực hiện Chương trình công tác năm 2012, sáng 25/12, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức phiên giải trình của Chính phủ “Về việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông”. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các thành viên của Ủy ban, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan tham dự.
Thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non chưa đồng đều |
Báo cáo giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: mặc dù có bước phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng, song đội ngũ giáo viên mầm non vẫn thiếu tới 22.800 giáo viên; 3,8% giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với giáo viên mầm non không đồng đều ở các địa phương, hiện còn khoảng 40% giáo viên mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc.Trong 3 năm qua, các địa phương đã chi khoảng 840 tỷ đồng để phát triển giáo dục mầm non, nhưng vẫn thiếu trường lớp nghiêm trọng, số lớp ghép 2-3 độ tuổi ở vùng dân tộc miền núi còn nhiều. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đánh giá những thành tựu trong phát triển bậc giáo dục phổ thông và chỉ ra nhiều bất cập về chương trình sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, kỹ thuật trường học…, dẫn đến chất lượng giáo dục đại trà còn thấp.
Tại phiên giải trình, nhiều đại biểu yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận làm rõ thêm nguyên nhân, giải pháp khắc phục các mặt tồn tại, yếu kém của giáo dục mầm non như tình trạng thiếu giáo viên, chế độ chính sách đối với giáo viên ngoài biên chế chưa phù hợp, lương thấp và đời sống rất khó khăn; quy định về phòng học trong Đề án phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi chưa đạt yêu cầu. Bộ trưởng cho biết: "Chúng tôi đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố vận dụng ngân sách hỗ trợ cho các giáo viên ngoài công lập được hưởng chính sách như giáo viên trong công lập. Bộ đã làm việc với hệ thống Bảo hiểm xã hội để những giáo viên này được đóng bảo hiểm hưởng chính sách. Ở vùng sâu vùng xa lồng ghép chương trình kiên cố hóa, Bộ đã chỉ đạo các địa phương trong xây dựng cơ sở trường lớp và nhà công vụ giáo viên thì ưu tiên 2 đối tượng là ở vùng đặc biệt khó khăn và mầm non".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến chương trình sách giáo khoa phổ thông nặng tính hàn lâm và quá tải; việc dạy lồng ghép, tích hợp trong một số môn học quá nhiều, gây áp lực cho giáo viên trong đảm bảo thời lượng tiết học; hình thức thi cử hiện nay chưa phát huy tính sáng tạo của học sinh, kết quả thi tốt nghiệp tăng đột biến…/.