Nhiều vấn đề phát sinh cần xử lý
Chiều 14/4, tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tờ trình Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới.
Luật Dầu khí được ban hành ngày 6/7/1993 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2000 và năm đã tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dầu khí trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Như một số vấn đề phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí nhưng chưa được quy định cụ thể trong luật và văn bản dưới luật hoặc quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã có những thay đổi. Có nội dung đã được quy định trong Luật Dầu khí nhưng chưa đồng bộ với các quy định pháp luật khác...
“Việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí” – Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách liên quan hợp đồng dầu khí; điều tra cơ bản; việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; ưu đãi đầu tư; công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí và việc cho phép bên thứ ba tiếp cận các cơ sở hạ tầng có sẵn của ngành dầu khí và nghĩa vụ chia sẻ công trình dầu khí, cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm sử dụng tối ưu, hiệu quả, tránh lãng phí trong đầu tư
Đồng tình với sự cần thiết phải sửa luật, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ hàng loạt vấn đề trên cơ sở các nhóm chính sách trong dự thảo Chính phủ trình. Trong đó đề nghị xem xét, rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện để áp dụng ưu đãi, ưu đãi đặc biệt bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, khả thi.
“Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định về các hình thức, cơ chế ưu đãi đầu tư khác, nhất là trong bối cảnh thời gian tới nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng mức thuế suất tối thiểu thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Kỳ vọng động lực thể chế nhưng nội dung còn mờ nhạt
Phát biểu gợi ý tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu kỹ hơn tên gọi và phạm vi cũng như mối quan hệ với hệ thống luật, bởi phạm vi thực chất là điều tra cơ bản và hoạt động dầu khí chứ không bao hàm toàn bộ lĩnh vực dầu khí. Hơn nữa, thiết kế đang thiên về hoạt động dầu khí nhiều hơn là điều tra cơ bản.
Nhấn mạnh đây là dự án luật rất quan trọng, song Chủ tịch Quốc hội đánh giá với 9 Chương 56 điều, nội dung còn sơ sài, nhiều quy định còn mờ nhạt. Dự thảo đưa ra rất nhiều quyền của Thủ tướng Chính phủ, dễ dẫn đến qua nhiều cấp trong khi chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, trong đó có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và việc quy định phải càng rõ, cụ thể càng dễ triển khai thực hiện nên “luật đừng sợ viết dài”.
“Nên phân cấp, phân quyền, tránh chuyện “luật khung, luật ống” mà vẫn đảm bảo rành mạch trách nhiệm của Chính phủ, của Thủ tướng, của bộ ngành” – ông Vương Đình Huệ nói.
Đề cập một số chính sách cụ thể, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề giải quyết việc “chia cắt” trong điều tra cơ bản thế nào, như tập đoàn Tập đoàn Than Khoáng sản được giao về than thì PVN có “nhảy” vào thăm dò khí than được không? Dữ liệu lớn liên quan tài nguyên thiên nhiên thế nào?
Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55 giao nhiệm vụ “đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên…”. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện rõ sự ưu tiên. Rồi liên quan tài chính, chi phí điều tra cơ bản về dầu khí và chi phí tìm kiếm thăm dò dầu khí không thành công là một vấn đề cũng cần giải quyết vì “rủi ro nhiều, tốn nhiều tiền song chưa chắc ra kết quả” .
Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề tại phiên thảo luận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng bày tỏ, một trong những mục tiêu quan trọng khi sửa luật là tạo động lực tiếp theo về cơ chế, thể chế thúc đẩy phát triển ngành dầu khí giai đoạn tới, nhất là khi dư địa nguồn tài nguyên này của nước ta có thể khai thác biến thành nguồn lực phát triển không nhỏ.
Ông cũng cho rằng luật dù qua 3 lần ban hành và sửa đổi nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát sinh trong hoạt động dầu khí. Ví dụ một dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác hiện nay áp dụng khá nhiều luật, trong đó có sự mâu thuẫn nên rất khó triển khai như trình tự thủ tục đầu tư của dầu khí có tính đặc thù. Rồi khi kết thúc hợp đồng, nhà đầu tư rút thì ta có chủ trương tận thu, tận khai thác nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh cho nội dung này. Hơn nữa, các nước xung quanh có môi trường đầu tư và thu hút đầu tư hấp dẫn hơn rất nhiều… Do đó việc sửa luật là cấp bách.
Tổng Giám đốc PVN cho biết, vướng mắc lớn nhất là xử lý chi phí tìm kiếm thăm dò không thành công. Trước đây có quỹ mà bản chất là để xử lý rủi ro khi không phát triển khai thác để thu hồi được nhưng sau này không cho trích thì quỹ này hết dần. “Mong muốn có thể được thì luật cho phép có quỹ, vừa phù hợp thông lệ quốc tế và bản chất rủi ro của hoạt động này”.
Vướng mắc khác là quy định phê duyệt thực hiện hợp đồng dầu khí phiên sang Luật Đầu tư chưa tương đồng. Do đó, dự thảo quy định nhằm thống nhất cách hiểu tương đương sẽ áp dụng thuận lợi hơn sau này./.