Chiều nay, 15/11, tại Hà Nội, ngay sau khi kết thúc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch ASEAN 2020, đã chủ trì họp báo thông báo kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN 36, khẳng định Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và các phiên đối thoại đã thành công tốt đẹp.
Phát biểu tại họp báo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đông đảo các nhà báo trong nước và quốc tế đã dự họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 và các hội nghị liên quan, đồng thời đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy quá trình hợp tác ASEAN.
Thông báo về kết quả Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các phiên đối thoại trong khuôn khổ Hội nghị đã thành công tốt đẹp.
Thủ tướng cho biết, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất cao trong những vấn đề quan trọng và thông qua 80 văn kiện được ký kết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Một trong những nội dung được các nhà lãnh đạo ASEAN rất quan tâm nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp; cho rằng, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong Hội nghị lần này là thông điệp mạnh mẽ khẳng định sự ủng hộ của ASEAN đối với hệ thống thương mại đa phương, tự do hóa thương mại và đầu tư và cũng là đóng góp quan trọng cho quá trình phục hồi sau dịch bệnh tại khu vực. Cùng với đó là việc tiếp tục xây dựng cộng đồng vững mạnh theo các mục tiêu đặt ra của ASEAN; mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối ngoại của ASEAN với các đối tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN.
Thủ tướng khẳng định, không chỉ các nhà lãnh đạo ASEAN, lãnh đạo các nước đối tác cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo một khu vực hòa bình, ổn định, tôn trọng chủ quyền của nhau, minh bạch, dựa trên luật lệ.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Các nhà lãnh đạo đều khẳng định, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid 19, hợp tác, mở rộng hòa bình ổn định càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tinh thần thượng tôn pháp luật tôn trọng chủ quyền, các quyền chính đáng của các quốc gia theo luật pháp quốc tế được các nước đề cao và nhấn mạnh. Lãnh đạo các nước đều quyết tâm hướng tới xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định hữu nghị hợp tác nơi tự do hàng hải, hàng không được bảo đảm. Mọi hoạt động trên biển đều dựa trên luật pháp quốc tế UNCLOS 1982, nghiêm túc thực hiện DOC. ASEAN - Trung Quốc nỗ lực đàm phán hoàn thành COC hiệu lực, hiệu quả".
ASEAN và Việt Nam đều mong muốn các nước lớn cạnh tranh lành mạnh
Thủ tướng đã dành thời gian trả lời nhiều vấn đề được báo chí quan tâm. Liên quan đến câu hỏi về sự ảnh hưởng của cạnh tranh giữa các nước lớn đến sự đoàn kết, ổn định của ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Đây là thách thức lớn của ASEAN, ảnh hưởng đến đoàn kết thống nhất của ASEAN. Chúng ta đều biết các nước lớn đóng vai trò vào duy trì hòa bình ổn định và thúc đẩy thịnh vượng toàn cầu. ASEAN và Việt Nam đều mong muốn các nước lớn cạnh tranh lành mạnh, coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN, từ đó thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực. Việt Nam đoàn kết cùng ASEAN thống nhất lập trường, đoàn kết trong thực hiện, chân thành trong hợp tác cùng các nước vì khu vực hòa bình, dựa trên luật lệ. ASEAN đã thống nhất quan điểm này trong suốt năm 2020".
Trả lời câu hỏi của phóng viên AP liên quan đến tác động của cuộc bầu cử Mỹ đối với các chính sách ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là đối với ASEAN và Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ, dù là ai làm tổng thống thì Mỹ vẫn là người bạn có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cũng như ASEAN - Hoa Kỳ. ASEAN đánh giá cao mối quan hệ này, tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau cùng xây dựng một khu vực ổn định, hòa bình, phồn vinh".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP và cho biết ASEAN luôn chào đón sự quay trở lại của Ấn Độ.
Thủ tướng cho rằng RCEP có quy mô 26 nghìn tỷ USD với dân số 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số và 30% tổng GDP thế giới. Xác định tầm quan trọng như vậy cho nên các nước ASEAN, đặc biệt năm nay Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, đã cùng thảo luận và đi đến quyết định cuối cùng được công bố sáng nay. Đây không chỉ là Hiệp định ảnh hưởng trong khu vực mà là toàn cầu. Ấn Độ là nước đầu tiên tham gia, nhưng đến nay Ấn Độ cũng chưa tham gia ký kết. Tuy vậy các nước ASEAN và Chủ tịch ASEAN cho rằng, các nước ASEAN luôn mở cửa để Ấn Độ có thể tham gia và chào đón Ấn Độ thời gian tới, tạo mọi điều kiện để Ấn Độ tham gia thuận lợi, nếu Ấn Độ thấy điều đó là cần thiết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hội nghị cấp cao ASEAN 37 đã thành công tốt đẹp và Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 đã tạo được những dấu ấn tốt đẹp, được bạn bè quốc tế đánh giá cao./.