Ngày 4/2, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức lễ đón nhận kỷ vật là chiếc mũ len của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều ảnh tư liệu giá trị do gia đình Giáo sư vật lý - nhà hoạt động tích cực vì hòa bình người Pháp Pierre Biquard trao lại để chuyển về Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trong suốt 47 năm qua, kể từ khi Bác Hồ tặng chiếc mũ cho ông Biquard, hiện vật quý báu này luôn được gia đình ông gìn giữ và câu chuyện về chiếc mũ như một biểu tượng sinh động cho tình hữu nghị giữa nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình với nhân dân Việt Nam.
Ông Pierre Biquard là nhà vật lý và là nhà hoạt động hòa bình tích cực của Pháp, Ủy viên Hội đồng toàn quốc Phong trào Hòa bình Pháp, Uỷ viên Hội đồng Hòa bình thế giới và Tổng thư ký Liên đoàn thế giới những người làm công tác khoa học. Ông đã có nhiều nỗ lực trong việc phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, nhất là việc Mỹ sử dụng vũ khí hóa học.
Hai người con gái của Giáo sư Biquard xúc động kể lại câu chuyện về chiếc mũ len |
“Cuối năm 1968, đầu năm 1969, Đoàn Phong trào Hòa bình Pháp gồm 4 thành viên, trong đó có cha tôi, đã đi thăm Việt Nam nhằm ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân Việt Nam. Ngày 2/1/1969, đoàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Đó là một vinh dự lớn khi đoàn đại biểu Pháp, lúc đó Người đã 79 tuổi và phải hạn chế các cuộc tiếp đón.
Đến khi chia tay đoàn, thấy cha tôi không có mũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy mũ len của Người đưa cho ông và nói: “Anh hãy đội mũ vào, bên ngoài rất lạnh”. Cha tôi nhìn chiếc mũ và nói: “Thưa Chủ tịch, chiếc mũ quá nhỏ với đầu của tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời: Vậy anh cứ giữ lấy như một kỷ niệm”.
Đó là câu chuyện về chiếc mũ len Bác Hồ, bố tôi đã rất tự hào kể lại câu chuyện này cho bạn bè và gia đình, và chiếc mũ đã trở thành một phần quan trọng trong di sản chung của gia đình chúng tôi”.
Một câu chuyện giản dị nhưng đầy nhân văn và sâu sắc, đúng như con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến ông Biquard và các thành viên trong đoàn nhớ mãi. Chiếc mũ len, suốt 47 năm qua, được gìn giữ và nâng niu trong gia đình Biquard, kể cả sau khi ông mất. Và hôm nay, 4 người con trong gia đình Biquard cùng nhau thực hiện nguyện vọng chung là trao lại chiếc mũ len cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Bà Catherine Biquard, con gái thứ hai của ông Pierre Biquard cho biết: “Chúng tôi đã giữ gìn chiếc mũ rất cẩn thận. Cha tôi rất xúc động mỗi khi ông nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh - một con người giản dị và rất tinh tế. Tất cả các thành viên trong gia đình chúng tôi đều biết về câu chuyện của chiếc mũ len.
Chiếc mũ thực sự là một phần trong lịch sử gia đình chúng tôi. Thậm chí có nhà sưu tập từng liên hệ đề nghị mua chiếc mũ nhưng chúng tôi không đồng ý và mong muốn đưa chiếc mũ về đúng vị trí của nó ở Bảo tàng Hồ Chí Minh ở đất nước các bạn.
Chúng tôi sẽ sắp xếp sang Việt Nam thăm chiếc mũ, thăm đất nước mà cha tôi mến yêu và dành nhiều tâm sức ủng hộ cuộc đấu tranh vì hòa bình của các bạn”.
Cũng tại buổi lễ, hai người con gái của ông Pierre Biquard cũng trao lại bức ảnh chân dung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng các thành viên trong đoàn Phong trào Hòa bình Pháp với chữ ký của Người và dòng chữ “Chào thân ái!”; cùng nhiều bức ảnh về các hoạt động của đoàn như thăm Vịnh Hạ Long, gặp và làm việc với Chủ tịch TP Hà Nội…
Hai bà cũng xúc động đọc lại những dòng lưu bút mà một thành viên khác trong đoàn viết về cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đặc biệt ấn tượng về sự hiểu biết sâu sắc của Người đối với văn hóa, con người nước Pháp.
Những dòng lưu bút viết: “Chúng tôi đã nói chuyện khá lâu về nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn kể rất chính xác kỷ niệm của Người về 4 vùng quê của 4 thành viên chúng tôi tại Pháp. Với sự tinh tế tuyệt vời, Người đã làm cho chúng tôi hiểu rằng, kể cả trong những thời điểm khó khăn nhất trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam chưa bao giờ đánh đồng giữa thực dân với nhân dân yêu chuộng hòa bình Pháp - những người đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam”.
Ẩn chứa đằng sau câu chuyện về chiếc mũ len thực sự là lòng ngưỡng mộ của những người yêu chuộng hòa bình Pháp với Chủ tịch Hồ Chí Minh; và là những nỗ lực không ngừng của những nhà hoạt động tích cực vì hòa bình như ông Pierre Biquard và các thành viên trong Phong trào Hòa bình Pháp.
Nhà sử học Alain Rouscio, người đã phát hiện ra câu chuyện về gia đình Biquard và kết nối với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết: “Chỉ là một hiện vật nhỏ, nhưng chiếc mũ len của Bác lại ẩn chứa những câu chuyện tuyệt vời về lịch sử. Chiếc mũ như cầu nối hữu nghị giữa người dân Pháp và người dân Việt Nam, nhờ nó mà nhiều người Pháp, trong đó có ông Pierre Biquard và những thành viên của Phong trào hòa bình, đã có nhiều hoạt động tích cực đấu tranh cùng nhân dân Việt Nam”.
Phong trào hòa bình của người Pháp được thành lập từ năm 1949 – khi đó, Việt Nam đang trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Phong trào đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp những tiếng nói yêu chuộng hòa bình phản đối cuộc chiến của thực dân Pháp; rồi đế quốc Mỹ tại Việt Nam; cũng như sau này huy động nhiều sự ủng hộ của người Pháp, của Việt kiều hỗ trợ các đoàn đàm phán của Việt Nam, đóng góp vào thành công của Hiệp định Paris.
Trực tiếp đón nhận chiếc mũ len cùng các bức ảnh do gia đình giáo sư Pierre Biquard trao lại, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn bày tỏ niềm xúc động và khẳng định sẽ sớm chuyển những kỷ vật quý này về Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: “Thực sự đây là một bất ngờ với cá nhân tôi và anh chị em ở sứ quán. Cá nhân tôi cảm nhận được tình cảm sâu sắc của bạn bè Pháp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc mũ được giữ gìn cẩn thận và trân trọng dù bao nhiêu năm đã trôi qua. Chiếc mũ từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Biquard năm 1969 - chỉ vài tháng trước khi Bác mất - và nay được gia đình trao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh, đúng vào năm kỷ niệm 105 năm ngày Bác đặt chân đến nước Pháp trong hành trình đi tìm đường cứu nước (năm 2016 – PV) là sự kiện hết sức có ý nghĩa và thấy rõ sự gắn bó của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Pháp, sự yêu mến, kính trọng của nhân dân Pháp với Bác”.
Cũng theo lời những người con của giáo sư Pierre Biquard, sau chuyến thăm Việt Nam đó, ông đã không có dịp nào trở lại Việt Nam. Nhưng câu chuyện về chiếc mũ len vẫn được viết tiếp khi ông Marc - Henri Fermont - con trai một người bạn cùng hoạt động vì hòa bình với ông Biquard - đã tình cờ phát hiện ra rằng trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đặt cuốn sách do chính ông Biquard viết về tiểu sử nhà vật lý nổi tiếng người Pháp Fréderic Jolliot Curie.
Có mặt cùng gia đình Biquard trong buổi lễ trao lại chiếc mũ len, ông Marc – Henri Fermont cho biết: “Một lần xem truyền hình, tôi bất ngờ nhìn thấy cuốn sách do Giáo sư Biquard viết được đặt trên bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và tôi đã nhờ người hàng xóm của mình khi ấy là Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - đến thăm và chụp ảnh bàn làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vợ chồng giáo sư Biquard - khi đó còn sống - đã rất xúc động khi thấy trên bàn làm việc của Bác Hồ, bên cạnh cuốn sách của Lenin, có cuốn sách của ông Biquard. Thực sự là một câu chuyện lịch sử, tuy rất nhỏ bé nhưng thật tuyệt vời trong cả khối lịch sử lớn giữa nhân dân hai nước chúng ta”.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đón nhận những kỷ vật do gia đình ông Biquard trao lại |
Chiếc mũ len và bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Biquard tháng 1/1969 |
Giáo sư Pierre Biquard (thứ 3 từ trái sang) cùng các thành viên trong đoàn Phong trào vì hòa bình trong buổi gặp Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Duy Hưng |
Chiếc mũ len được gia đình Giáo sư Biquard giữ gìn cẩn thận sau 47 năm |
Gia đình xúc động trao những bức ảnh về Giáo sư Biquard khi ông đến Việt Nam |