Cuộc đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới 2020 và tương lai được tổ chức sáng nay (16/5) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội trong khuôn khổ Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ hai (SOM 2) và các sự kiện liên quan.

vov_apec_chu_tich_nuoc_qhtf.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các đại biểu cấp cao APEC chụp ảnh lưu niệm

Trong bài phát tại buổi đối thoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: Chìa khóa cho thành công của APEC là đặt người dân và doanh nghiệp ở trung tâm của sự phát triển.

"Chúng ta cần thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo, đưa các thành phần trong xã hội cùng tham gia và thụ hưởng từ sự phát triển và thịnh vượng chung. Đồng thời, chúng ta cần làm tốt công tác thông tin để công chúng thấy được những lợi ích của toàn cầu hoá, của tự do thương mại và đầu tư, chung tay thúc đẩy một mô hình tăng trưởng mới bền vững hơn," Chủ tịch nước nêu rõ.

Chủ tịch APEC 2017 Bùi Thanh Sơn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng, APEC hiện đang ở thời điểm quan trọng mang tính bước ngoặt cần xác định mục tiêu, hướng đi dài hạn mà các trụ cột hợp tác cho Diễn đàn trong 10 - 15 năm tới.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi đối thoại

Tiếp nối các cuộc đối thoại đầu tiên về tầm nhìn APEC sau 2020 và tương lai giữa các SOM APEC được tổ chức tháng 8 năm ngoái, và triển khai chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao APEC tại Lima, Peru 2016, năm nay, Việt Nam đề xuất đối thoại nhiều bên để APEC hướng tới 2020 và tương lai, với mong muốn tạo được diễn đàn trao đổi lý tưởng, xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020 cho tất cả các bên liên quan, từ đó xác định được các bước đi và định hình các khuyến nghị báo cáo các Bộ trưởng và lãnh đạo cấp cao, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay.

Tại buổi đối thoại, Đại sứ Don Campbell - đồng Chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) nhấn mạnh, 25 năm qua, các lãnh đạo APEC đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là biến Châu Á – Thái Bình Dương thành khu vực tự do thương mại và đầu tư vào năm 2020. Định hướng này đã được đề ra Mục tiêu Bogor và hiện đang tiếp tục được hiện thực hóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng, bền vững không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới và khu vực đang có nhiều biến động, tác động lớn đến nền kinh tế toàn cầu, vấn đề tăng trưởng kinh tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đóng vai trò ngày càng quan trọng. Ông Don Campbell cho rằng, ngoài vấn đề cầu nội địa, các nền kinh tế thành viên APEC cần phải chú trọng đến các yếu tố bên ngoài như việc làm, lợi ích người tiêu dung, cải tiến công nghệ...

Với mục tiêu chiến lược là tăng trưởng theo chiều sâu, các thành viên APEC phải trải qua nhiều thách thức, vượt qua sự khác biệt hướng tới một tương lai phồn thịnh. Đồng Chủ tịch PECC nhận định, hiện nay các tiến bộ công nghệ đang phát huy lợi thế trong bối cảnh trung tâm của sự chuyển dịch chính là Châu Á – Thái Bình Dương. “Chúng ta đang đứng trước cơ hội to lớn, định hình tầm hình dài hạn, để từ đó đề ra các chính sách, quy định phù hợp nhằm đảm bảo mọi người đều được trao quyền và được hưởng lợi,” ông Don Campbell lưu ý.

Đối thoại gồm 2 phiên toàn thể và phiên thảo luận nhóm. 2 phiên đầu sẽ trao đổi về vai trò, các vấn đề APEC cần chú trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Riêng phần thảo luận nhóm nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy nỗ lực hoàn thành các mục tiêu Bogor, khung thời gian và các bước tiếp theo để xây dựng tầm nhìn  APEC sau năm 2020.

Các đại biểu tập trung thảo luận về tương lai khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và tìm các giải pháp hiện thực hóa các mục tiêu đề ra trong tuyên bố Bogor, trong đó có việc thúc đẩy APEC thành khu vực tự do thương mại vào năm 2020.

Cũng trong ngày hôm nay, tại Hà Nội, các quan chức cấp cao APEC cũng tổ chức Hội thảo về nghiên cứu và công nghệ do nhóm Đối tác chính sách về khoa học công nghệ sáng tạo (PPSTI) chủ trì./.