Tôi được một người bạn gửi tặng cuốn sách "Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười- nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam". Cuốn sách do NXB Dân Trí- Trung tâm Vinh danh Việt xuất bản cũng đã lâu. Tác giả là một nhà báo nữ đã cao tuổi- bà Diệu Ân. Bà là con gái nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nguyễn Bá Khoản.

do%20muoi.jpg

Cuốn sách là tập hợp những bài viết về đồng chí Đỗ Mười của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bạn bè, đồng chí của ông. Nhiều hơn cả là những cuộc phỏng vấn của nhà báo Diệu Ân với các đồng chí cùng hoạt động cách mạng, cùng làm việc và giúp việc đồng chí Đỗ Mười, của họ hàng, bà con làng xóm quê hương đồng chí Đỗ Mười.

Cuốn sách được viết với giọng văn mộc mạc, tuy có những chi tiết (về tiểu sử) lặp đi lặp lại nhưng khá hấp dẫn người đọc. Hấp dẫn là bởi kể về cuộc đời của một đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước có khá nhiều"giai thoại" trong nhiều tầng lớp cán bộ và trong nhân dân. Hấp dẫn bởi tính chân thực của những câu chuyện, về tình cảm sâu đậm của bạn bè, đồng chí, nhân dân với đồng chí Đỗ Mười.

Phần I cuốn sách có tiêu đề: Những kỷ niệm với đồng chí Đỗ Mười. Phần II với tiêu đề: Những bước ngoặt quan trọng. Phần III là tập hợp những bài viết về đồng chí Đỗ Mười. Phần IV giới thiệu những bức ảnh và tư liệu quan trọng liên quan đến đồng chí Đỗ Mười.

Trong bài viết của mình, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nêu rõ: Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, đến nay tuổi đã gần 100 nhưng đồng chí Đỗ Mười giữ nguyên tính cách của một người Cộng sản trung kiên,một con người của hoạt đông. Đồng chí vẫn đọc, vẫn nghe và vui mừng trước các thành tựu của đất nước, trăn trở trước những khó khăn của đời sống nhân dân ở một số vùng...

Còn nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh kể: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, chúng tôi cùng được phân công giữ những trọng trách của đất nước: đồng chí Đỗ Mười làm Tổng bí thư, tôi là Chủ tịch nước, cùng nhau lo toan cho vận mệnh của đất nước và của dân tộc.

Sau khi tóm tắt tình hình đất nước từ sau 30/4/1975 dến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhấn mạnh: trong giai đoạn này, Đảng ta đã làm hai việc lớn có ý nghĩa lịch sử:

- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI có nhiều quyết sác mới để xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng an ninh. Trên cơ sở đó, Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

- Xây dưng Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, được Đại hội VII của Đảng thảo luận và thông qua. Cương lĩnh đã tổng kết quá trình cách mạng Việt Nam,rút ra những bài  học kinh nghiệm,chỉ ra những phương hướng và giải pháp đổi mới toan diện đất nước theo con đường Xã hội chủ nghĩa.

Trong hai việc lớn đó,đồng chí Đỗ Mười đều có đóng góp quan trọng,làm rất cụ thể và triển khai thực hiện có hiệu quả. Đồng chí đã cùng Đảng và Nhà nước đề xuất nhiều biện pháp chống lạm phát có hiệu quả, đưa lạm phát 774% năm 1986 xuống 34,7% năm 1989 và 14% năm 1992. Trong việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, việc Việt Nam tham gia ASEAN, bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, đều có công đóng góp của đồng chí Đỗ Mười.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tâm sự: Đồng chí Đỗ Mười có nhiều cống hiến cho dân tộc, cho đất nước, cho cách mạng, nhưng rất khiêm tốn. Đồng chí sống chân thành, giản dị, gần gũi chan hòa với mọi người. Được sống gần đồng chí Đỗ Mười và những lần làm việc trực tiếp với đồng chí, tôi đã cảm nhận được nhiều điều sâu đậm về Anh- người Đảng viên cộng sản trung kiên, hết lòng vì nước, vì dân.

Đồng chí Đỗ Mười với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Giá trị của cuốn sách, sức hấp dẫn của cuốn sách chính là những câu chuyện kể mộc mạc, người thật việc thật. Nếu không nghe ông Nguyễn Thọ Chân kể, thì khó ai tin rằng sau khi thôi làm đại sứ ở Liên Xô về nước, ông và gia đình đã sống gần  20 năm ở nhà khách, mà không được phân nhà riêng chỉ vì ông là chú của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng bộ Xây dựng Đỗ Mười !.

Đồng chí Đỗ Mười thăm Trung tâm nhân đạo Quê hương

Ông Trần Quân Ngọc,nguyên Thư ký chuyên trách về dầu khí và công nghiệp của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười nhớ lại: lần đầu tiên được nghe ông Đỗ Mười nói chuyện vào năm 1957, tại Nhà hát nhân dân Hà Nội (nay là Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô). Ông cao, gầy, mặc một bộ "đại cán" màu xanh nhạt, đầu húi cua, chân đi đôi giày cao cổ. Ông trình bày về tình hình kinh tế nước ta lúc đó, giọng sang sảng, đầy nhiệt tình, ông nói say sưa, hùng biện, lý luận sâu sắc nhưng dễ hiểu, những dẫn chứng đưa ra rất cụ thể và dí dỏm.

Gần 20 năm sau,ông Ngọc được chọn làm Thư ký cho đồng chí Đỗ Mười trong khoảng 10 năm. Nhớ về ngôi nhà giản dị của đồng chí Đỗ Mười ở Phạm Đình Hổ, Hà Nội, ông Ngọc cho biết: trong nhà, đồng chí Đỗ Mười để vào vị trí trang trọng nhất tấm chân dung Bác Hồ với bút tích của Bác Hồ "Tặng chú Mười". Ông bảo đó là món quà quý nhất của đời ông.

Tấm ảnh Bác Hồ đó, được đặt trang trọng ở trang đầu tiên của cuốn sách "Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười- nguyên Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam".

Kẻ được đọc cuốn sách này, thì nhớ mãi lời tâm sự của cháu ngoại đồng chí Đỗ Mười Nguyễn Thi An Khanh:"Ông biết không, cháu đến nhà bạn chơi thấy bạn có cả ông cả bà ,nhìn bà bạn ấy chăm sóc ông bạn ấy, cháu thấy thương ông nhiều lắm... nhiều lúc cháu thấy ông cứ cặm cụi một mình, cháu biết phải làm sao? Những lúc trái gió trở trời, ông đau, cả nhà lo lắng...Những lúc như vậy cháu ước mình lớn thật nhanh, học thật giỏi để làm bác sĩ chữa bệnh cho ông và mọi người...”./.