Góp ý vào dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng khóa XIII, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP HCM) cho rằng, dự thảo có 2 điểm mới mà bà tâm đắc. Cụ thể, tại Đại hội trước chỉ mới đề cập “xây dựng chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh”, nhưng dự thảo văn kiện lần này đưa thêm cả “hệ thống chính trị” vào. Điều đó có nghĩa Đảng đã rất coi trọng xây dựng “kiềng 3 chân” là Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc. Cũng theo đại biểu Bích Châu, trong nội dung về phương hướng cũng có một điểm mới là cơ chế bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đột phá vì lợi ích chung…
“Khi thêm câu này vào dự thảo văn kiện, Đảng đã nhìn thấy rõ những mặt còn thiếu, còn yếu để khắc phục trong nhiệm kỳ tới”, nữ đại biểu Đoàn TP HCM góp ý.
Đại biểu Bích Châu kỳ vọng, việc “nêu gương” trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần này phải thực sự trở thành nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
Cũng tại tổ TP HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, trong dự thảo báo cáo chính trị có 15 nội dung rất bao quát, nội dung đánh giá trong dự thảo đã phản ánh những kết quả đạt được của Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XII: “Chúng tôi rất đồng tình với đánh giá cơ đồ đất nước sau 35 năm đổi mới. Đây là kết quả của cả một quá trình, tích tụ qua nhiều kỳ đại hội”.
Về các hướng đột phá của nhiệm kỳ tới, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần phải chú trọng thay đổi tư duy, cách làm, theo đó, phải nhận định để tách “lợi ích nhóm” trong vấn đề soạn luật. Quốc hội cần phải thành lập các Ban soạn thảo luật, hiện nay vấn đề này còn dựa nhiều vào Chính phủ.
Góp ý về vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao được nêu ở dự thảo văn kiện, đại biểu Hoàng Ngân cho rằng: “Trong dự thảo báo cáo có đưa ra giải pháp là “Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”, nhưng tôi băn khoăn có nên tiếp tục ghi như vậy hay không vì cứ “đổi mới” sẽ khiến người dân lo lắng. Giải pháp căn cơ là phải đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, đủ sức hội nhập với quốc tế”./.