Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB diễn ra từ ngày 3-6/5/2011 tại Hà Nội, với gần 40 sự kiện, gồm các phiên họp toàn thể, các cuộc họp giữa các Bộ trưởng tài chính, các phiên họp nhóm giữa các đoàn đại biểu các nước và vùng lãnh thổ...; gần 20 cuộc hội thảo và thuyết trình quốc gia... có quy mô lớn với sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp, các diễn giả quốc tế và trong nước.

Chủ tịch ADB gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tạo thuận lợi nhất để Hội nghị đạt kết quả tốt đẹp. “Chính phủ Việt Nam đã ủng hộ chúng tôi tuyệt vời về cơ sở vật chất và mọi điều kiện chu đáo nhất cho Hội nghị này. Chúng tôi nhận thấy rất rõ lòng mến khách, sự thân thiện của người dân Việt Nam”, Chủ tịch ADB nói. 

Nghe thêm tin phát thanh tại đây

 

Cũng theo ông Kuroda, với con số kỷ lục hơn 4.000 đại biểu tham dự, cho thấy sức hấp dẫn của Hội nghị được tổ chức tại Việt Nam. Điều này cũng chứng tỏ châu Á – Thái Bình Dương đã trở nên rất quan trọng đối với thế giới. “Tôi tin Hội nghị này đã được tổ chức và kết thúc rất thành công” – ông Kuroda nhấn mạnh.

Hội nghị lần này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ đối với các Thống đốc, Bộ trưởng, Thứ trưởng Tài chính các nước châu Á – Thái Bình Dương và các đại biểu quốc tế khác. Thống đốc Bangladesh Abul Maal A. Muhith đã chúc mừng Việt Nam vì sự chuẩn bị thành công, chu đáo cho hội nghị lần này. “Đây cũng là minh chứng cho những thành tựu đất nước các bạn đạt được thời gian qua” – ông Abul Muhith nói.

Bà Tao Wang, Giám đốc Điều hành và Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc của ngân hàng đầu tư UBS AG cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Tôi rất ấn tượng về một Việt Nam đang trên đà phát triển thịnh vượng. Sự chuẩn bị chu đáo, trang trọng cho Hội nghị lần này góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới”.

Lần đầu tiên trong các Hội nghị của ADB, dấu ấn của nước chủ nhà được thể hiện nổi bật trong sáng kiến “Ngày Việt Nam” được tổ chức với điểm nhấn của chương trình là Hội nghị Cấp cao về Kinh doanh (Vietnam Business Summit) thu hút hơn 800 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các học giả, lãnh đạo các tập đoàn tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp lớn quốc tế và trong nước tham dự, minh chứng cho sự cuốn hút của Việt Nam” - một nền kinh tế năng động và có ảnh hưởng ngày càng lớn trong khu vực.

Theo ông Kuroda, Hội nghị này đã có rất nhiều thông điệp. “Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh một số điểm chính như: Kiểm soát lạm phát ở một số nước, đảm bảo tăng trưởng kinh tế mang tính toàn diện, mang lợi lợi ích cho tất cả mọi người hay tầm quan trọng trong việc tăng trưởng bền vững và môi trường. Ngoài ra, các Thống đốc cũng có sự nhất trí cao trong việc đẩy mạnh hơn nữa sự hợp tác trong khu vực”.

Những thông điệp này rất rõ ràng, ông Kuroda nói, và tôi rất vui khi nói rằng, các Thống đốc đã có đóng góp lớn cho việc đẩy mạnh quá trình xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng…

Trao đổi về những cơ hội hợp tác kinh tế- thương mại của Việt Nam thời gian tới, bà Tao Wang cho rằng, hai nước có rất nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này. Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Nói về những thách thức của kinh tế Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, ông Naoyuki Shinohara, Phó Giám đốc Điều hành IMF, cho rằng những thành tựu kinh tế của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu cho các nền kinh tế phát triển. “Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự tăng trưởng chậm của các nền kinh tế G7 đã nhấn mạnh đến nhu cầu của khu vực Châu Á là phải phát triển các thị trường trong nước và khuyến khích giao dịch thương mại nội vùng”.

Bên cạnh đó, theo ông Shinohara: “Tăng trưởng ở khu vực châu Á cần phải tạo ra đủ công ăn việc làm trong khu vực tư nhân nhằm thu hút lực lượng lao động thất nghiệp đang gia tăng nhanh chóng về số lượng. Tăng trưởng ở khu vực này cũng cần phải thúc đẩy sự công bằng trong tiếp cận với cơ hội kinh tế cho mọi người dân nhằm hỗ trợ họ nhận thức được giá trị tiềm năng của mình, cũng như cung cấp an sinh xã hội cho đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội”.

Có thể nói, Hội nghị ADB lần thứ 44 còn là hội nghị của sự đoàn kết, chia sẻ và nhân ái. Minh chứng cho điều này là sự cam kết chia sẻ cùng với những thiệt thòi, mất mát mà Nhật Bản đang phải gánh chịu sau thảm họa động đất, sóng thần hôm 11/3 vừa qua. Trong phiên khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng phát triển châu Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đều bày tỏ sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về những mất mát to lớn do động đất và sóng thần gây ra. “Với tình cảm chân thành và hữu nghị, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang tích cực góp phần và luôn mong muốn nhân dân Nhật Bản vượt qua những khó khăn, nhanh chóng ổn định và phát triển” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Những chia sẻ này đối với đất nước và nhân dân Nhật Bản còn được thể hiện trong các hội thảo vệ tinh và bên lề các sự kiện.

Chia tay Việt Nam, nhiều đại biểu bày tỏ sự luyến tiếc vì quãng thời gian ngắn ngủi được lưu lại trên mảnh đất thân thiện này. Hẹn gặp lại tại Malina – Philippines 2012./.

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch ADB đã ký 3 dự án tài trợ cho Việt Nam với tổng trị giá 1,38 tỷ USD. Đồng thời, đại diện Chính phủ Hàn Quốc và đại diện Chính phủ Việt Nam cũng ký kết Hiệp định tài trợ 200 triệu USD xây dựng cầu Vàm Cống; một số ngân hàng thương mại Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các định chế tài chính nước ngoài.