1 - Nói về quan hệ bạn bè và với láng giềng, từ xa xưa cha ông ta đã đúc kết bằng những câu thành ngữ như "tứ hải giai huynh đệ" (bốn biển đều là anh em), "họ hàng xa, không bằng láng giềng gần", "hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau"...
Ngày nay, trong đường lối đối ngoại, Ðảng ta cũng thực hiện phương châm ứng xử thấm đậm hồn cốt văn hóa của dân tộc, hết sức coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế. Chuyến thăm Indonesia và Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Ðảng ta với nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân ở cả hai nước đã thể hiện sinh động cốt cách nhân văn và hòa hiếu của Ðảng, Nhà nước ta và nhân dân ta.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo lái xe điện chở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN |
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Ðảng ta đến với những người bạn láng giềng cùng chia sẻ nhiều lợi ích tương đồng và diễn ra vào "đúng thời điểm" (như nhận xét của Ngài Ibnu Hadi, Ðại sứ Indonesia tại Việt Nam) các nước đang mong muốn đẩy mạnh mở rộng hơn nữa quan hệ với một Việt Nam mở cửa hội nhập năng động và một Việt Nam Ðổi mới. Có lẽ sự trùng hợp về lợi ích quốc gia - dân tộc cùng với phong thái ứng xử đúng mực, khiêm nhường, mềm mỏng của người lãnh đạo Ðảng ta đã góp phần củng cố tiếng nói chung và tranh thủ được tình cảm quý mến, chân thành của lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Chắc phải quý mến, thân tình lắm Tổng thống Joko Widodo mới có cử chỉ tự lái xe điện đưa Tổng Bí thư ta đi tham quan khu vực Dinh Tổng thống; phải nặng nghĩa ân tình với Việt Nam lắm nên bà Megawati, Chủ tịch Ðảng Dân chủ đấu tranh cầm quyền, con gái cố Tổng thống Sukarno mới chân thành xúc động nhắc lại những kỷ niệm được gặp Bác Hồ (bà Megawati gọi khi nhớ về Hồ Chí Minh) gần 60 năm trước trong dịp cùng Cha mình đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Indonesia năm 1959.
Ở Myanmar, thái độ ân cần và cởi mở của Tổng Bí thư ta và của Tổng thống Htin Kyaw, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã khiến cho không khí các cuộc tiếp xúc trở nên thực sự chân tình, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau như giữa những người bạn quen biết từ lâu. Và quả thật, trong số các nước Ðông Nam Á thì Myanmar là nước mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quan hệ sớm nhất khi quyết định mở văn phòng thông tin thường trú ở Yangon từ năm 1947, đánh dấu sự mở đầu cho quá trình tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức sau này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật Tổng thống Myanmar Htin Kyaw. (Ảnh: TTXVN) |
Với Indonesia, quan hệ đối tác chiến lược thiết lập từ năm 2013 đã được làm sâu sắc thêm bằng những thỏa thuận cụ thể giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Tư pháp, Cảnh sát biển của Việt Nam với các đối tác tương ứng của Indonesia. Ðặc biệt, Indonesia chủ động gợi ý cùng Việt Nam liên kết tạo thế chủ động trên thị trường cao su và hồ tiêu thế giới như cách người Việt vẫn nói "buôn có bạn, bán có phường"; Công ty PT Intra Asia của Indonesia đã thỏa thuận về việc xây dựng cảng nhập than trị giá 1 tỷ USD ở phía nam Việt Nam để giảm chi phí nhập khẩu than từ Indonesia.
Với Myanmar, quan hệ hai nước được nâng cấp lên tầm "đối tác hợp tác toàn diện" mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực. Trong chuyến thăm, các thỏa thuận hợp tác về thương mại, văn hóa, hải quan và giáo dục - đào tạo đã được ký giữa hai bên. Ðặc biệt, thành công của Dự án liên doanh giữa Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel với Myanmar (Mytel) không chỉ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho cả hai bên mà còn có ý nghĩa chính trị góp phần củng cố quan hệ hợp tác tin cậy của đối tác Việt Nam nói chung ở thị trường Myanmar.
3 - Tác động của chuyến thăm không chỉ dừng lại ở các mối quan hệ song phương mà còn có ý nghĩa đa phương quan trọng trong bối cảnh khu vực đang kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập ASEAN.
Trước những thay đổi to lớn đang diễn ra trên thế giới và khu vực, ASEAN cũng đang đứng trước những thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển của tổ chức: Phải duy trì và tăng cường sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thế giới toàn cầu hóa, phải xử lý có hiệu quả những thách thức đang đặt ra đối với khu vực - sự suy kiệt môi trường, tội phạm xuyên quốc gia, tranh chấp biên giới lãnh thổ; xây dựng những cách tiếp cận mới để tăng cường hòa bình, ổn định trong bối cảnh một trật tự chính trị - kinh tế mới đang hình thành ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra trong Bài nói chuyện tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Jakarta về những bài học thành công của 50 năm ASEAN, những thách thức và định hướng phát triển trên cơ sở các nguyên tắc "độc lập, tự cường", "đoàn kết, thống nhất" với vai trò "trung tâm" và phương thức ASEAN - "tham vấn và đồng thuận" đã tạo được một ấn tượng mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm sâu sắc và chia sẻ rộng rãi của dư luận trong và ngoài khu vực. Có lẽ thông điệp mà Tổng Bí thư ta muốn chuyển tải đã trùng hợp với lợi ích thiết thân của bạn bè trong và ngoài khu vực, lợi ích của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng ở các nước ASEAN đều chia sẻ tư tưởng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng và nhấn mạnh ý nghĩa các biện pháp hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại, đầu tư. Cũng không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt báo chí, các hãng thông tấn khu vực như Jakarta Post, Jakarta Globe, Republika, The Wire của Indonesia; Straits Times của Singapore; The Nation của Thái Lan; Global New Light of Myanmar, MRTV của Myanmar; và của nhiều cơ quan thông tấn lớn như Reuter, BBC, AP, RFA, VOA, US News, Tân Hoa Xã, Sputnik News, Nikkei, The Indian Express, Channel NewsAsia, Tạp chí Nghiên cứu hàng hải châu Á (Asia Maritime Review), Tạp chí Eurasia Review, Asian Correspondent... đều đưa tin và phân tích, trích dẫn những nội dung cơ bản về liên kết kinh tế, vai trò trung tâm của ASEAN nêu trong Bài nói chuyện; đồng thời nhấn mạnh tư tưởng độc lập của ASEAN trong quan hệ giữa các nước lớn: "ASEAN đã trở thành nơi các nước lớn nói chuyện với nhau. Nhưng đừng để ASEAN trở thành con bài cho sự cạnh tranh giữa các nước lớn. ASEAN phải duy trì vai trò là tâm điểm của ngoại giao tại khu vực".
Các nhà phân tích đánh giá Bài nói chuyện của Tổng Bí thư ta tại một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Indonesia và khu vực vào dịp này vừa có ý nghĩa biểu tượng quan trọng, vừa có giá trị thiết thực đối với các nhà nghiên cứu và công chúng.
4 - Tầm vóc và ý nghĩa của chuyến thăm Indonesia, Myanmar của người đứng đầu Ðảng ta đã góp phần khẳng định nhận định của Ðại hội XII Ðảng Cộng sản Việt Nam về vai trò và vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao. Dư luận rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong nước cũng đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm giúp tăng cường vị thế Việt Nam, nhất là uy tín quốc tế của Ðảng Cộng sản Việt Nam.
Với Indonesia, chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như đánh giá của lãnh đạo và dư luận sở tại bởi lẽ sau gần 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, các bạn đã phải vượt qua trở ngại to lớn về tâm lý và định kiến nặng nề sau bi kịch xảy ra năm 1965 khi Ðảng Cộng sản Indonesia (PKI) bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, lần đầu tiên mời Tổng Bí thư Ðảng Cộng sản Việt Nam đi thăm chính thức và đón tiếp Ông với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia. Ðiều đáng được ghi nhận là dù trải qua thăng trầm của lịch sử, các chính thể ở Indonesia có thể thay đổi với những xu hướng chính trị khác nhau, song chưa bao giờ quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới này tỏ thái độ thù địch với đất nước và con cháu của Hồ Chí Minh. Ngược lại, luôn bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với chúng ta bằng những hành động có ý nghĩa như tham gia Ủy ban Giám sát Quốc tế sau Hội nghị Paris 1973, tổ chức những Cuộc gặp không chính thức Jakarta, gọi là JIM I (tháng 7/1988) và JIM II (tháng 2/1989) tạo diễn đàn đối thoại giữa hai nhóm nước Ðông Dương và ASEAN tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Campuchia.
Với Myanmar, chuyến thăm được dư luận và báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng sở tại đánh giá là một "mốc lịch sử", nâng cấp quan hệ lên tầm "đối tác hợp tác toàn diện", góp phần mở ra những cơ hội mới cho sự hợp tác toàn diện giữa hai nước. Có một thực tế từ khi Myanmar tham gia ASEAN, hội nhập với khu vực, song quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam vẫn chỉ ở mức độ khiêm tốn so với tiềm năng to lớn của mối quan hệ song phương giữa hai nước. Cùng với những cải cách trong môi trường pháp lý, các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, và đặc biệt là kết quả chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này, đã thực sự tăng cường sự tin cậy chính trị, hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước, tạo ra những động lực mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng và củng cố vị trí cần phải có ở thị trường Myanmar.
Với việc Việt Nam tham gia và hội nhập ASEAN, các nước Ðông Nam Á đã vượt qua trở ngại về ý thức hệ, sự khác biệt về chế độ chính trị - xã hội để cùng nhau gắn bó vì lợi ích chung - hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước ta đến các nước láng giềng Ðông Nam Á và các nước ngoài khu vực càng củng cố và khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng ta trong đất nước Việt Nam Ðổi mới và đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ, góp phần nâng cao hơn nữa vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới./.
Toàn cảnh chuyến thăm 2 nước Indonesia và Myanmar của Tổng Bí thư
Tạo xung lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với Indonesia và Myanmar