Nhiệm kỳ 2010 – 2015, tỉnh Lai Châu đã giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và cơ bản đưa địa phương ra khỏi tình trạng kém phát triển. Phấn đấu trở thành địa phương phát triển trung bình vào năm 2020 là mục tiêu của Đảng bộ tỉnh đề ra trong nhiệm kỳ 2015 – 2020. 

Trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, phóng viên VOV phỏng vấn bà Giàng Páo Mỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu về nội dung này:

PV: Thưa bà, xin bà cho biết những thành tự nổi bật mà Đảng bộ tỉnh Lai Châu đạt được trong nhiệm kỳ 2010 – 2015?

Bà Giàng Páo Mỷ: 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ đã được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã được chuyển dịch theo hướng xác định. 

vov_lai_chau_1_wgld.jpg
Bà Giàng Páo Mỷ - Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu

Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP tăng 7,4%/năm. Thu ngân sách của địa phương năm 2015 ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2010. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, giáo dục và đào tạo luôn luôn được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững. 

Hệ thống chính trị được củng cố và tăng cường, đặc biệt là hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên. Có thể nói, sau 30 năm đổi mới và sau 12 năm chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, Lai Châu đã đạt được những thành tựu khá quan trọng và có ý nghĩa, đó là đã đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển.

PV: Qua Đại hội Đảng cấp cơ sở và trên cơ sở vừa qua, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã rút ra được bài học, kinh nghiệm gì cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII tới đây, thưa bà?

Bà Giàng Páo Mỷ: Đến ngày 31/7/2015, đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở của Đảng bộ Lai Châu đã được hoàn thành. Từ đại hội cấp cơ sở như vậy, chúng tôi có rút ra một số kinh nghiệm là phải quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đặc biệt là Chỉ thị 36 và các văn bản hướng dẫn về công tác nhân sự, rồi là quy trình lấy ý kiến nhân dân tham gia vào báo cáo chính trị trình tại đại hội. 

Cây chè đã giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh Lai Châu xóa đói giảm nghèo bền vững

Chúng tôi đã quan tâm tới việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp cán bộ và nhân dân. Do đó, báo cáo chính trị đã sát với tình hình thực tiễn và đặc biệt là đảm bảo được các quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ phê duyệt. 

Về công tác nhân sự, chúng tôi cũng bám sát các chủ trương và các quy định của cấp trên để đảm bảo được cơ cấu, tiêu chuẩn và số lượng do yêu cầu đề ra. Đặc biệt là trong quá trình tổ chức bàn về công tác nhân sự thì phải quan tâm đến công tác dân chủ, làm sao đặt tiêu chuẩn này lên hàng đầu. 

Từ chỗ nêu cao tinh thần dân chủ và đặc biệt là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhân sự thì quy trình nhân sự đã được đảm bảo một cách chặt chẽ. 

Công tác tuyên truyền cũng có một ý nghĩa hết sức quan trọng để nâng ý thức trách nhiệm, để nhân dân các dân tộc trong tỉnh coi đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và để mọi người hướng về Đảng một cách tốt nhất.

PV: Xin bà cho biết mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh Lai Châu nhiệm kỳ tới là gì?

Bà Giàng Páo Mỷ: Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định mục tiêu và nhiệm vụ xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2015 – 2020 là tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. 

Duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là một trong các mục tiêu nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh Lai Châu

Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững; rồi là duy trì bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thông chính trị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo an ninh trật tự.

Đặc biệt là đảm bảo biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị và phát triển mở rộng quan hệ đối ngoại và nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, nhằm phát triển toàn diện nhanh và bền vững, để đưa Lai Châu trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.

PV: Xin cảm ơn bà./.