Gần đây, dư luận trong đảng và nhân dân tại nhiều địa phương băn khoăn, thậm chí bất bình về hiện tượng một số đảng viên sau khi nghỉ hưu không tham gia sinh hoạt Đảng ở địa bàn cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh người đảng viên, cũng như uy tín của Đảng và phần nào thể hiện sự suy thoái về chính trị, tư tưởng của một bộ phận đảng viên như Nghị quyết TW4, khóa XII đã chỉ rõ. Đáng lo ngại hơn là hiện tượng này ngày càng phổ biến tại nhiều nơi.
Lý do nào cũng chỉ là biện minh
Đảng bộ phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay có 527 đảng viên, phần lớn là cán bộ nghỉ hưu. Nhiều đảng viên mặc dù tuổi cao song vẫn tích cực tham gia sinh hoạt Đảng và là nòng cốt trong các phong trào, hoạt động ở khối phố, khu dân cư. Thế nhưng có đến 38 đảng viên mà đa số là cán bộ, công chức, viên chức trong đó có cả đảng viên là bộ đội sau khi nghỉ hưu lại không thực hiện thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ phường.
Ông Trần Quốc Toản, Bí thư Đảng ủy phường Nam Hồng cho rằng, thật đáng buồn khi có những đảng viên sau khi nghỉ hưu, đang còn sung sức, hoàn cảnh gia đình không khó khăn nhưng lại không nộp hồ sơ tham gia sinh hoạt Đảng ở nơi cư trú.
“Những đảng viên này trong quá trình sinh hoạt đảng viên ở nơi cư trú cũng đã thiếu gương mẫu, nên khi về nghỉ hưu, họ không nộp hồ sơ. Rồi họ viện nhiều lý do như phải đi làm kinh tế trong khi thực tế thu nhập thì cao, lương hưu 7,8 triệu đến 10 triệu; có người bảo phải đi thăm con, đi trông giữ cháu”- Ông Trần Quốc Toản nói.
Ông Thái Hiển, Phó trưởng Ban Tổ chức, Thị ủy Hồng Lĩnh trả lời phỏng vấn phóng viên VOV |
Ông Thái Hiển, Phó trưởng Ban Tổ chức, Thị ủy Hồng Lĩnh cho biết, toàn thị xã hiện có đến 67 trường hợp như vậy. Đây thực sự là những đảng viên thiếu ý chí chiến đấu, thiếu trách nhiệm đối với Đảng, đối với nhân dân.
“Trước lúc vào Đảng, những đảng viên này đã từng hứa phục vụ cho Đảng, cho nhân dân đến hơi thở cuối cùng, nhưng đến lúc về hưu lại không muốn cống hiến nữa. Đó là biểu hiện suy thoái thật sự về tư tưởng, trách nhiệm của người đảng viên. Thực tế đó thật đáng buồn”.
Hiện nay, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng đáng buồn là tình trạng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu diễn ra khá phổ biến không chỉ ở các địa phương mà ngay tại những đô thị lớn. Ông Nguyễn Anh Cường, Phó Bí thư Quận ủy Đống Đa, thành phố Hà Nội cho biết, trên địa bàn quận, tuy số lượng đảng viên không sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu không nhiều nhưng đang có chiều hướng gia tăng. Từ năm 2014 đến tháng 6/2017, có 16 đảng viên bị xóa tên, trong đó có 2 đảng viên bị xóa tên do bỏ sinh hoạt Đảng vì không chuyển hồ sơ về nơi cư trú và tỷ lệ này đang tăng lên.
Theo ông Nguyễn Anh Cường, tuy số lượng đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng rất ít so với một quận có 27.000 đảng viên, nhưng đây cũng là thực tế cần phải cảnh báo.
“Đấy là một biểu hiện của tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái về chính trị, tư tưởng. Suy thoái về chính trị tư tưởng tức là động cơ, mục đích của người ta không đúng với khi vào Đảng, thề dưới cờ Đảng. Đang đương chức đi làm, người ta nghĩ rằng Đảng viên thì có quyền lợi này, quyền lợi kia, khi về hưu người ta bảo chả phấn đấu chức quyền gì, về có khi cũng chả muốn sinh hoạt nữa, đi sinh hoạt những chỗ khác. Ham muốn khác cao hơn lý tưởng thì người ta bỏ”, ông Cường nêu thực tế.
Ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Thanhnien |
“Tỷ lệ đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng không nhiều, nhưng nếu không phân tích nguyên nhân, không tuyên truyền, hiện tượng này sẽ lan rộng, ảnh hưởng đến lớp trẻ đang phấn đấu vào Đảng. Trong khi quần chúng nhìn vào không thấy sức chiến đấu, vai trò tiên phong, gương mẫu, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang củng cố tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao vai trò đảng viên”, ông Bảo nêu quan điểm.
Trăn trở trước thực tế này, ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, tuy là vấn đề mới phát sinh, nhưng trong thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng. Trong số những đảng viên sau khi nghỉ hưu bỏ sinh hoạt đảng có cả một số đồng chí nắm giữ cương vị lãnh đạo cấp vụ, cấp sở ở các cơ quan Trung ương và địa phương.
Ông Nguyễn Văn Định, Phó Vụ trưởng Vụ Đảng viên, Ban Tổ chức TƯ. |
Hiện tượng một tỷ lệ nhỏ đảng viên bỏ sinh hoạt Đảng sau khi nghỉ hưu, ngoài việc ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, còn cho thấy ít nhiều những biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng. Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm là những hệ lụy, tác động đến tư tưởng, tâm lý phấn đấu vào Đảng, mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ, những nhân tố tích cực rất cần cho Đảng. Thực tế đáng lo ngại này đang đặt ra cho các cơ quan quản lý Đảng viên, đặc biệt là hệ thống cơ quan làm công tác tổ chức của Đảng cần nhanh chóng có những giải pháp khắc phục, sớm chấm dứt tình trạng đảng viên sau khi nghỉ hưu bỏ sinh hoạt Đảng./.
Dân sẽ cho biết cán bộ nào chính trực, cán bộ nào tham nhũng, hư hỏng
“Mong Đảng tiếp tục phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ mắc sai phạm“
“Kỷ luật cán bộ không khỏi đau xót nhưng rất cần thiết“