- Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”
- "Làm được 60% Nghị quyết Trung ương 4 đã là tốt lắm rồi!"
- Xử lý kỷ luật 43 đảng viên tham nhũng
Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được dư luận trong và ngoài nước bày tỏ sự quan tâm đặc biệt. Bên cạnh việc ủng hộ cũng như góp ý trên tinh thần xây dựng đối với công tác chỉnh đốn Đảng thì một số người lại cố tình reo rắc sự hoài nghi về việc triển khai thực hiện Nghị quyết này. Nhưng chắc chắn rằng, họ sẽ không đạt được mục đích bởi chỉnh đốn Đảng là việc làm thường xuyên ở Việt nam.
Không chỉ dừng lại ở việc thông tin về một sự kiện chính trị ở Việt Nam, nhiều trang mạng nước ngoài trong dịp này đã mở chuyên trang, chuyên mục để đăng tải các bài viết, phỏng vấn của một số người Việt ở trong và ngoài nước - những người tự cho mình là “trí thức yêu nước”.
Thậm chí cả những chuyên gia “theo dõi tình hình Việt Nam, tình hình Đông nam Á” cũng được dịp bày tỏ sự quan tâm của mình. Nhưng họ quan tâm theo cách của họ, theo dụng ý của họ. Chính vì vậy, mới có những bài viết kiểu như: “Chấn chỉnh Đảng hay khủng bố đảng viên?” “Quyết tâm để đi đến đâu”, “ Một bộ phận suy thoái nghiêm trọng”, “ Chỉnh đốn Đảng là chuyện cũ chép lại”… Một vị giáo sư có tên là Ngô Vĩnh Long từ đại học Maine, Mỹ được hãng tin BBC gọi là “Chuyên gia am hiểu tình hình nội bộ của Việt Nam” đã lên tiếng nói rằng: nếu đảng không thực sự sửa đổi thì "đất nước càng ngày càng lụi bại đi" và có thể dẫn tới "sụp đổ".
Theo dõi những bài viết kiểu này trên mạng Internet, ông Đinh Đức Lập- Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết cho biết: “Đúng là họ hết sức quan tâm đến cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng ta lần này theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Điều đó chứng tỏ rằng, Đảng cộng sản Việt Nam với bề dày lịch sử của mình, với đóng góp của mình cho lịch sử dân tộc đang khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình. Tuy nhiên, họ quan tâm theo kiểu cố tình thổi phồng những nguy cơ, xuyên tạc, kích động, moi móc…thiếu khách quan” .
Không chỉ reo rắc sự hoài nghi đối với công cuộc chỉnh đốn Đảng, những “trí thức yêu nước” này còn công khai mục đích của mình là kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải thay đổi một cách “triệt để”, đòi đa nguyên, đa đảng mà trước hết là đòi thả những người mà họ cho là “bất đồng chính kiến”…
Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra rằng, những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị nói trên tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ Đảng, tác động hòng làm đội ngũ ta "tự diễn biến", "tự chuyển hoá".
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, mục đích cuối cùng của họ là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Điều đáng nói là, công cụ tiếp sức cho những người cố tình bóp méo sự thật, thiếu khách quan, cơ hội chính trị này chính là internet và các trang mạng xã hội. Ông Lê Doãn Hợp- nguyên Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông cho rằng, Internet là một tiến bộ của xã hội loài người. Nhưng Internet cũng có tính hai mặt. Vì thế, chúng ta phải biết gạn lọc để có được những thông tin chuẩn mực nhất, chính xác nhất và có ích nhất. Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam có quyền quản lý việc sử dụng Internet và mạng xã hội để bảo vệ nền văn hoá dân tộc, bảo vệ an ninh chính trị của nước mình.
Việc thổi phồng, bóp méo sự thật, tung lên internet những bài viết mang tính kích động... thật ra không có gì mới. Và xét cho đến cùng thì họ cũng không xoay chuyển được tình hình, không thể đạt được mục đích. Đảng ta đang tự nhìn lại mình. Đó là việc làm thường xuyên và nhân dân Việt Nam vẫn quyết tâm, kiên định đi theo con đường đã chọn./.