Ngay sau lễ đón đoàn tại cảng 159, gần 150 thành viên của hành trình đã làm lễ viếng, dâng hương tại khu di tích bến Lộc An, thuộc xã Phước Thuận, huyện Xuân Mộc. Bến được chọn là điểm đến của đoàn tàu không số vì nơi đây có vùng ven biển Xuyên Mộc dân cư thưa thớt nhưng có ưu thế là biển liền rừng. Do địa hình rừng núi ngăn cách nên hoạt động của địch cũng hạn chế.

Trước sự phát triển của lực lượng cách mạng, việc cung cấp vũ khí cho xây dựng các đơn vị vũ trang địa phương và 2 trung đoàn chủ lực ở miền Đông Nam Bộ đòi hỏi rất cấp bách. Chuyển hàng từ miền Bắc vào miền Tây Nam Bộ rồi sau đó lại vận chuyển bí mật vượt qua vùng địch chiếm đóng để sang miền Đông Nam Bộ vừa vất vả vừa khó khăn. Quân ủy Trung ương chỉ thị khu ủy khu 7 nhanh chóng chuẩn bị bến nhận hàng ở Lộc An, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để đón tàu vào.

Theo ông Lê Hà, cựu thuyền trưởng tàu không số 240, việc mở bến Lộc An, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu từ tháng 9/1963 là bước đột phá trong việc mở đường mới trên con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Tại bến Lộc An, 3 chuyến tàu của đoàn 125 hải quân đã cập bến thành công, vận chuyển hơn 100 tấn vũ khí, trang bị cho quân dân các tỉnh miền Đông, khu 6 tham gia các chiến dịch, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội như: Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiến… đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ-ngụy.

Cũng trong sáng 15/10, lãnh đạo Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quân chủng Hải quân đã tới thăm, tặng quà gia đình 3 cựu cán bộ tàu không số tại xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ.

Chiều cùng ngày, đoàn hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển sẽ tham gia học kỳ hải quân với các hoạt động diễn tập chiến đấu tại Lữ đoàn 171, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu./.