Trong 65 năm hoạt động cách mạng, có hai thời kỳ mà ở đó tài năng quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng bộc lộ rõ nhất. Đó là thời kỳ đồng chí làm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn 320, chiến đấu trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ và thời kỳ đồng chí làm Tổng Tham mưu trưởng tham gia chỉ đạo, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn mang tính chiến lược trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

25042017mthang7_uiei.jpg

Các đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Chiến trường đồng bằng Bắc Bộ và Đại đoàn 320 là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng phát triển tài năng quân sự xuất sắc. Tại đây, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã phát triển nghệ thuật quân sự thông qua vận dụng cách đánh bí mật, táo bạo, thọc sâu ngay vào vùng địch hậu, đánh “nở hoa trong lòng địch”.

Tháng 1/1951, nhận lệnh phối hợp với Chiến dịch Trung du của Bộ Tổng tư lệnh, Đại đoàn xuất quân trận đầu, với tinh thần tích cực tiến công, có bao nhiêu đánh bấy nhiêu, chỉ với 3 tiểu đoàn vừa tập trung về, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã chỉ huy các đơn vị bí mật từ chân núi Ba Vì, vượt qua nhiều đồn bốt, tháp canh, làng tề, các đơn vị luồn sâu vào vùng sau lưng địch, chiếm lĩnh trận địa, nhanh chóng và hoàn toàn bí mật, bất ngờ đánh vào “Phân khu Tây Bắc” thị xã Sơn Tây.

Lực lượng địch ở đây hầu hết là quân Âu Phi, hệ thống bố phòng khá vững chắc, nhưng thế phòng ngự lại bộc lộ nhiều sơ hở. Vành đai ngoài cứng, công sự kiên cố do quân Âu - Phi chiếm giữ, nhưng hệ thống đồn bốt bên trong lại yếu và mỏng. Nếu đánh sâu vào trong, ta sẽ tạo được thế bất ngờ, nơi mà địch chủ quan cho là “chủ lực Việt Minh có mọc cánh cũng không lọt vào đây được”. Ngay trong đêm, như thế chẻ tre, bộ đội và dân quân du kích diệt gọn 9 đồn địch, tạo thế cho dân quân du kích phối hợp mở rộng vùng căn cứ du kích.

Trận tiến công đánh thẳng vào cụm cứ điểm ở Thị trấn Phát Diệm đêm 20/12/1951 là một điển hình của nghệ thuật chọn hướng tiến công, chọn mục tiêu tiến công, điển hình của cách đánh “nở hoa trong lòng địch”, đánh vào nơi địch không thể nào ngờ tới. Nhận nhiệm vụ phối hợp với mặt trận chính của chiến dịch Hòa Bình, khi Đại đoàn 320 đang huấn luyện ở Thanh Hóa đã cấp tốc hành quân về địa bàn đồng bằng sông Hồng và bí mật, táo bạo, bất ngờ, thọc sâu vào vùng địch hậu Phát Diệm, Ninh Bình.

Phát Diệm là đầu não của địch ở một vùng Thiên chúa giáo, là một cụm cứ điểm rắn và hiểm trở do hệ thống kênh mương chia cắt rất phức tạp, là khu căn cứ hậu phương an toàn của địch nằm sâu trong hành lang phòng ngự vòng ngoài. Các đơn vị ta đã vượt qua hơn 20km dày đặc đồn bốt địch và sông rạch, sình lầy, bất ngờ nổ súng tiến công. Chỉ trong một đêm, quân ta đã tiêu diệt và làm tan rã 10 cứ điểm lớn nhỏ, sau đó tiêu diệt toàn bộ lực lượng cứu viện của địch. Phát huy thắng lợi, ta phát triển ra đánh vỡ vành đai vòng ngoài, tiêu diệt, bức rút, bức hàng hàng loạt vị trí, tạo điều kiện đẩy mạnh phong trào chiến tranh nhân dân địa phương, mở rộng vùng giải phóng và các khu du kích ở Ninh Bình.

Tháng 1/1952, toàn Đại đoàn vào hoạt động nội tuyến ở tả ngạn sông Hồng, biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, đánh bung ra những khu vực rộng lớn ở đồng bằng. Toàn đại đoàn đã mở cuộc tiến công tiêu diệt lớn quân địch ở Thái Bình, xây dựng và củng cố hàng loạt khu du kích, mở toang nhiều vùng giải phóng, tạo thành thế trận chiến tranh nhân dân tiến công địch ngay trong vùng đồng bằng tả, hữu ngạn sông Hồng.

Tháng 11/1953, trên cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, đảm đương nhiệm vụ phụ trách một cơ quan tham mưu cấp chiến lược trọng yếu của Quân đội giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang bước vào thời kỳ sôi động và quyết liệt nhất, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp quan trọng trong công tác tham mưu, giành chiến thắng vang dội trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài cương vị Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt nam, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo một số chiến dịch lớn trên chiến trường miền Nam. Điển hình là khi đồng chí trực tiếp chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên (tháng 3/1975) đánh vào Buôn Ma Thuột. Cũng với nghệ thuật đánh “nở hoa trong lòng địch”, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có ý kiến dùng một binh đoàn cơ giới thọc sâu vào sở chỉ huy tiền phương của Sư đoàn 23 ngụy. Mũi thọc sâu đó đã cùng các mũi tiến công khác hoàn thành nhiệm vụ tiến công và giành thắng lợi vang dội. Buôn Ma Thuột bị đánh tan nhanh chóng tạo nên “hiệu ứng domino”, khiến toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên địa bàn Tây Nguyên sụp đổ hoàn toàn.

Khi Đại tướng Văn Tiến Dũng là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh thì càng thấy rõ hơn tài năng tham mưu chiến lược, ông luôn đi trước, biết trước tình hình địch, ta, chỉ huy quyết đoán và táo bạo trong những thời điểm bước ngoặt của chiến dịch làm nên chiến thắng lịch sử.

Tài năng quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng đóng góp to lớn vào kho tàng khoa học nghệ thuật quân sự là việc sáng suốt trong việc lựa chọn mục tiêu chiến thuật, chiến dịch và chiến lược. Từ chọn đánh địch ở Sơn Tây, Phát Diệm năm 1951. Chiến dịch tiến công thọc sâu vào vùng sau lưng địch thuộc tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Nam Định ở đồng bằng Bắc Bộ năm 1952, theo nhận xét của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam “đây là cuộc tiến công thọc sâu” về chiến lược hiếm thấy trong lịch sử chiến tranh.

Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, các lực lượng của ta đã đánh thẳng vào những cơ quan đầu não chính trị - quân sự của địch ở Sài Gòn và hầu hết các đô thị khác, làm chấn động thế giới, đã làm thay đổi cục diện chiến lược trên chiến trường, làm sụp đổ ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Đến đánh điểm huyệt Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên cũng là cách đánh sở trường của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tạo nên cục diện mới trong Tổng tiến công và nổi dậy 1975, tiến lên giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đặc biệt, tài mưu lược quân sự của Đại tướng Văn Tiến Dũng còn là việc sáng tạo trong cách đánh “nở hoa trong lòng địch”.

Một cách đánh táo bạo, bất ngờ vào nơi hiểm yếu của địch đòi hỏi tính quyết đoán thông minh của người chỉ huy, hiểu biết sâu sắc về địch, làm cho kẻ thù khiếp sợ, đem lại chiến thắng quyết định trong các trận chiến đấu cụ thể cũng như nhiều chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược. Cách đánh này đã trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật chỉ huy của Đại tướng Văn Tiến Dũng ở cả tầm chiến dịch và chiến lược.       

Nghệ thuật chọn mục tiêu tiến công, nghệ thuật sử dụng cách đánh “nở hoa trong lòng địch” của Đại tướng Văn Tiến Dũng vẫn được phát huy ở tầm cao mới trong chiến tranh bảo về Tổ quốc và trong tương lai, đó cũng là nét đặc thù, sáng tạo, là một trong những nội dung của nghệ thuật lấy yếu chống mạnh, lấy vũ khí chưa hiện đại chống lại vũ khí hiện đại của địch./.