Trong phiên làm việc cuối cùng của đợt họp trực tuyến tại Kỳ họp thứ 2, chiều nay 30/10, đại biểu Quốc hội thảo luận về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Các ý kiến đều đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội, đồng thời tán thành đánh giá quy hoạch sử dụng đất quốc gia được xây dựng trên cơ sở các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn đặt ra đối với quản lý, sử dụng đất đai trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đảm bảo thống nhất, đồng bộ; phân bổ, huy động quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, an ninh lương thực quốc gia; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn với hình thành và phát triển các trung tâm kinh tế biển mạnh .

3,5 triệu ha đất trồng lúa là quá lớn

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội phân cấp cho HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.

Theo ông, đây cũng là mong muốn của các địa phương hiện nay và phù hợp với nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện.

“Thực tế thời gian qua, do quy định phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ nên nhiều địa phương muốn làm nhanh đã chia nhỏ dự án dưới 10ha đất lúa, dẫn tới tình trạng quy hoạch xây dựng khu dân cư, khu đô thị, các dự án sản xuất phi nông nghiệp bị manh mún, vừa lãng phí hạ tầng, vừa thiếu kết nối đồng bộ” – ông Phạm Văn Thịnh nói.

Do đó cùng với việc phân cấp, đại biểu đề nghị Chính phủ cá thể hoá trách nhiệm đối với người đứng đầu các địa phương trong quản lý đất đai, kết hợp với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả của việc phân cấp.

Cũng đề cập vấn đề đất trồng lúa, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ) cho rằng khái niệm “an ninh lương thực quốc gia” cần hiểu rộng hơn, không chỉ là gạo mà còn đa dạng các thực phẩm khác đảm bảo dinh dưỡng, sức khoẻ. Gạo là chính chứ không phải tất cả và số liệu thống kê cho thấy nhu cầu sử dụng gạo tiếp tục giảm nhiều trong tương lai.

Dẫn các số liệu chứng minh, đại biểu cho rằng việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa là quá lớn, ông đề nghị giảm diện tích vì nếu vẫn giữ như quy hoạch thì ĐBSCL gánh vai trò đảm bảo an ninh lương thực quá lớn, 10 năm tới khó đô thị hóa và phát triển nhanh được.

Trước đó, thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh khi đã sử dụng đất lúa cho mục đích phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp khác thì cũng không dễ chuyển đổi trở lại thành đất lúa.

Do đó, để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011-2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Cân nhắc việc tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp

Đại biểu Đặng Hồng Sỹ (đoàn Bình Thuận) thì đề nghị cân nhắc việc tăng chỉ tiêu đất khu công nghiệp. Ông đề nghị giảm để bố trí cho đất văn hoá, đất thể thao vì hiện tại các loại đất này còn rất hạn chế, nhu cầu xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao lớn, trong khi chỉ tiêu quy hoạch chỉ 20.000ha và 30.000ha.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cũng đề nghị rà soát, đánh giá lại vì giai đoạn 2011-2020 chỉ tiêu này được đánh giá là đạt rất thấp (hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%, tuy nhiên, giai đoạn 2021-2030 đặt chỉ tiêu rất cao (đến 2030 là 210,93 nghìn ha, tăng 120,1 nghìn ha so với năm 2020).

Còn đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) cho rằng, chỉ tiêu đất khu công nghệ cao lại tăng rất ít và không tăng trong giai đoạn 2025-2030, điều này chưa phù hợp khi Nghị quyết Đại hội Đảng đặt mục tiêu hướng đến Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng nêu rất rõ về công nghệ cao trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới. Chính phủ cần điều chỉnh diện tích lớn hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển đến năm 2030.

Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48,4 nghìn ha), khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó, cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để xây dựng các khu công nghiệp./.