Sáng nay (27/3), Đoàn công tác Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Phó Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương dẫn đầu, làm việc với Ban thường vụ Thành ủy và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP Đà Nẵng.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe Đại diện TAND, Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng báo cáo đề án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, Viện Kiểm sát nhân dân khu vực và một số thông tin về quá trình thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật Tố tung hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự.
Căn cứ vào số lượng các loại án thụ lý, giải quyết bình quân hàng năm của TAND cấp quận, huyện, Ban Cán sự Đảng, TAND thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định thành lập 6 TAND sơ thẩm khu vực và 6 Viện kiểm sát nhân dân khu vực tại 6 quận, huyện, thành phố.
Theo đó, kiến nghị Trung ương bổ sung thêm biên chế, trang thiết bị, xây dựng trụ sở mới, cải cách chế độ tiền lương và các chính sách ưu đãi đối với cán bộ Tòa án và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp từ nay đến năm 2020 xác định, xây dựng bộ máy tư pháp độc lập hiệu quả, bảo vệ chân lý, bảo vệ nhân phẩm và tài sản của tổ chức, công dân.
TP Đà Nẵng có điều kiện thuận lợi để triển khai đề án cải cách tư pháp. Vì vậy, khi thực hiện cải cách tư pháp cần có sự tính toán hợp lý phù hợp với chủ trương này, làm sao để Đà Nẵng trở thành địa phương đi đầu làm điểm cho cả nước triển khai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Việc tổ chức tòa án sơ thẩm khu vực và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực là vấn đề rất mới, cần giải quyết đồng bộ nhiều vấn đề. Chính vì vậy, cần có sự trao đổi với các cơ quan liên quan về xác định TAND và Viện Kiểm sát nhân dân khu vực đặc biệt là tìm hiểu tình hình triển khai đề án những khó khăn vướng mắc để làm sao Trung ương và địa phương có thống nhất xây dựng nền tư pháp trong sạch vững mạnh./.