Đồng tình với ý kiến các đại biểu nêu ra tại kỳ họp, cử tri Trần Văn Tuấn ở phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La cho rằng, giá một số mặt hàng thiết yếu tăng mạnh, trong khi mặt bằng chung về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và bà con nông dân vẫn ở mức thấp đang tạo áp lực lớn đến sự phát triển của nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Vì vậy, rất cần Quốc hội, Chính phủ sớm đưa ra các giải pháp phù hợp để cải thiện tình hình.
“Tôi đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ đề ra trong thời gian tới. Tuy nhiên, tôi đề xuất với Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề lạm phát và có giải pháp phù hợp, kể cả biện pháp tiếp tục giảm thuế để giảm giá các mặt hàng thiết yếu trong nước, nhất là giá xăng dầu, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ người dân tiếp tục phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập”, cử tri Tuấn bày tỏ.
Cử tri Tạ Minh Nhất, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đề nghị, các vấn đề phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc, miền núi rất cần được Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành có chính sách cụ thể cho phát triển các loại cây dưới tán rừng, nhất là cây dược liệu.
“Điều này sẽ góp phần giải quyết đất sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, miền núi, vừa hạn chế tối đa tình trạng xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất”, cử tri Tạ Minh Nhất mong muốn.
Liên quan đến các nội dung kinh tế - xã hội được thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 2/6, cử tri Nguyễn Bình, ngụ tại TP.Thủ Đức quan tâm đến việc tăng giá xăng dầu. Theo cử tri Nguyễn Bình, tất cả các mặt hàng tiêu dùng trong cuộc sống đều liên quan đến xăng dầu. Do đó, chỉ cần xăng tăng giá sẽ kéo các mặt hàng khác tăng giá theo.
Cử tri Bình kiến nghị, để doanh nghiệp giảm giá bán ra mặt hàng xăng dầu, Nhà nước cần hỗ trợ giảm các loại chi phí từ 10% xuống dưới mức 5%, từ đó có cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh giá.
“Thực tế doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng có sự khó khăn của họ. Không ai muốn tăng giá xăng dầu trong thời điểm này, bởi nếu tăng giá thì chính họ cũng gặp khó khăn. Cho nên, nếu nhà nước có những chính sách điều chỉnh hợp lý và hỗ trợ, đặc biệt cho các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu sẽ góp phần bình ổn giá xăng. Nếu vẫn phải tăng giá thì mức tăng thấp hơn, thời gian giữa các lần tăng nên kéo dài ra mà không ngắn như vừa qua. Thời gian qua giá xăng tăng trong thời gian rất gần nhau, có khi chỉ cách nhau 1 tuần”, cử tri Bình đề xuất./.