Tối 19/6, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo để giới thiệu một công cụ giám sát mới – Chỉ số Quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2012.

Mục đích nhằm góp phần đóng góp cho đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh/thành phố và Hội đồng Nhân dân các cấp chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí do Quốc hội và HĐND trong tháng 7 tới.

Hội thảo chia sẻ kết quả khảo sát PAPI 2012, cung cấp thông tin và dữ liệu có giá trị tham khảo đến các đại biểu Quốc hội. Báo cáo PAPI 2012 đã phân tích tình hình thực tế về hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương dựa trên trải nghiệm và đánh giá khách quan của người dân, cũng là người thụ hưởng của quy trình hoạch định chính sách vĩ mô và vi mô.

Trong năm 2012, gần 14.000 người đã được phỏng vấn trực tiếp thông qua khảo sát xã hội học lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền từ cấp tỉnh đến cấp xã/phường/thị trấn. Khảo sát do Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện, với sự hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật của UNDP và đồng tài trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC).

bao-cao.jpg

Báo cáo PAPI cho biết, người dân mong muốn trách nhiệm giải trình và kiểm soát tham nhũng được đẩy mạnh, đồng thời dịch vụ hành chính và dịch vụ công được cải thiện hơn. Đây cũng là những điều kiện cần thiết để Việt Nam duy trì và phát huy vị thế quốc gia có mức thu nhập trung bình và đang hướng tới các mục tiêu phát triển con người cao hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam nói: “Qua PAPI, chúng ta có thể tìm hiểu phần nào mong mỏi của người dân. Công cụ giám sát này là tập hợp của rất nhiều dữ liệu nghiên cứu thực chứng mang tính độc lập để đại biểu Quốc hội và HĐND tham khảo, làm cơ sở đánh giá khách quan hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở các tỉnh/thành phố và HĐND xác định những điểm đã làm được và chưa làm được của địa phương, yêu cầu chính quyền tỉnh/thành phố và cơ sở giải trình và hoạch định hoặc điều chỉnh chính sách để nâng cao mức độ hiệu quả”.

Báo cáo PAPI nhấn mạnh sự cần thiết của việc theo dõi và giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền cũng như vai trò giám sát của Quốc hội, HĐND, các tổ chức quần chúng và người sử dụng dịch vụ công.

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp phát biểu: “Chúng tôi cho rằng, dữ liệu PAPI sẽ có tác dụng tham khảo tốt cho đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh/thành phố và HĐND các cấp khi tiếp tục thực hiện bước phát triển mang tính lịch sử của Quốc hội Việt Nam, đó là lấy phiếu tín nhiệm đối với các vị trí do HĐND bầu trong tháng 7 tới. Đây cũng là những thông tin có giá trị góp phần hoàn thiện Chương 9 của Dự thảo Hiến pháp và tiến tới xây dựng luật về chính quyền địa phương trong thời gian tới”.

Khảo sát PAPI nghiên cứu 6 trục nội dung của hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh bao gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công.

Hơn 100 đại biểu Quốc hội tham dự Hội thảo đều đánh giá cao kết quả của chu trình nghiên cứu PAPI là những bộ dữ liệu đánh giá khách quan về chất lượng quản trị quốc gia dựa trên trải nghiệm của người dân đầu tiên ở Việt Nam và được chia sẻ rộng rãi. Đại biểu Quốc hội  Hà Công Long, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Đây là nguồn thông tin quý, quan trọng giúp cho các ĐBQH thực hiện tốt chức trách của mình. Còn ĐBQH Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách đã chúc mừng sự thành công của nhóm nghiên cứu và khẳng định: PAPI cung cấp hệ thống chỉ báo khách quan góp phần đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, tạo động lực để lãnh đạo các cấp tại địa phương ngày càng nâng cao hiệu quả quản lý của mình./.