Mạnh dạn gỡ nút thắt

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) trình bày trước Quốc hội sáng 26/10, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội nhất trí cho rằng, một trong những vướng mắc lớn, điểm tắc nghẽn chủ yếu trong hoạt động KH&CN hiện nay chính là cơ chế tài chính. Vì vậy, việc đổi mới cơ bản cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN cho phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN là rất cần thiết và cần phải khẳng định cơ chế đổi mới này ngay trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật KH&CN (sửa đổi).

Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế tài chính có liên quan đến các văn bản pháp luật về tài chính, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước (đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung). Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Quốc hội cho phép quy định có tính đột phá, đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN theo những quan điểm mới trong Đề án “Phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6.

Ủy ban cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về vấn đề này và có đề xuất cụ thể để vừa bảo đảm tính tương thích với hệ thống pháp luật, nhưng thể hiện rõ cơ chế đặc thù cho lĩnh vực KH&CN được coi là quốc sách. 

Ủy ban KH,CN&MT nêu rõ Dự thảo Luật cũng chưa có các quy định cụ thể nhằm huy động các nguồn lực xã hội ngoài ngân sách để phát triển KH&CN, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với các chủ thể của nguồn vốn này.

Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính cho các hoạt động KH&CN, Ủy ban đề nghị cần chỉnh sửa quy định trong các luật có liên quan về thuế đối với tài sản, tài sản thừa kế như quy định của pháp luật một số nước phát triển hiện nay.

Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp thu các ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) dành tỷ lệ thích hợp lợi nhuận trước thuế cho hoạt động KH&CN hoặc hình thành quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; đồng thời quy định cơ chế phù hợp tạo sự chủ động cho doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn kinh phí này.

Duy trì ngân sách cho KH&CN ở mức 2% là hợp lý

Về việc quy định mức đầu tư tối thiểu từ ngân sách nhà nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí của Nhà nước dành cho khoa học và công nghệ, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng đây là vấn đề quan trọng cần giải quyết.

Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm quản lý thống nhất về KH&CN của Bộ KH&CN, trách nhiệm của Chính phủ trong phân bổ và sử dụng 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN theo quy định của Luật KH&CN hiện hành cũng như các ý kiến còn khác nhau trong việc xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí của Nhà nước dành cho KH&CN.

Theo Ủy ban KH,CN&MT, trong nhiều năm vừa qua, nhìn chung chưa thực hiện được hết ngân sách nhà nước dành cho KH&CN, cũng như chưa đánh giá được hiệu quả, chất lượng thực hiện ngân sách. Nguyên nhân là do năng lực triển khai thực hiện đầu tư, trong đó có nguyên nhân do tổ chức quản lý chưa tốt, phân bổ chưa đúng khả năng thực hiện...

Do đó, Ủy ban KH,CN&MT cho rằng duy trì ngân sách cho KH&CN ở mức 2% là hợp lý nhưng đề nghị cần tập trung đổi mới quản lý để phân bổ, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn. Ngoài ra dự thảo Luật cần quy định rõ hơn cơ chế kết hợp sử dụng ngân sách và việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho KH&CN theo hướng tăng tổng mức đầu tư xã hội cho KH&CN, trong đó nguồn đầu tư ngoài ngân sách ngày càng chiếm ưu thế.

Về đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN, báo cáo Thẩm tra đề nghị cần quy định nguyên tắc đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển KH&CN; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư; ưu tiên tập trung đầu tư cho các tổ chức KH&CN trọng điểm như phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia… Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định nội hàm “đầu tư phát triển KH&CN” để xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các Bộ có liên quan./.