Việt Nam đang hoàn tất những công việc cuối cùng để kết thúc việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm nay. Mặc dù 2020 là một năm vô cùng khó khăn đối với toàn thế giới, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á song chuyên gia nghiên cứu của Australia lại ghi nhận đây là một năm hoạt động hiệu quả của ASEAN.
Tiến sỹ Lê Thu Hường, chuyên gia phân tích cao cấp của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia vừa có bài viết đăng trên trang Nhà chiến lược đánh giá hoạt động của ASEAN trong năm 2020. Trong bài viết này, tiến sỹ Lê Thu Hường nhận định, 2020 là năm hoạt động hiệu quả của ASEAN khi tổ chức này đã đạt được khoảng 80 thỏa thuận giữa các thành viên cũng như với các đối tác. Tiến sỹ Lê Thu Hường nhận định, “trong 50 năm tồn tại, đây là số lượng thỏa thuận lớn nhất mà ASEAN đạt được” trong một trong 1 năm hoạt động.
Trong các thỏa thuận mà ASEAN đạt được, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký vào ngày họp cuối cùng của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 là một điểm sáng nổi bật. “Thỏa thuận này là một bước tiến lớn và tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc kinh tế Đông Á”. Mặc dù các nước tham gia thỏa thuận này đều là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do khác trong khu vực, song RCEP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên bên ngoài khuôn khổ tổ chức Thương mại Thế giới quy tụ các nền kinh tế ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Vì vậy, tiến sỹ Lê Thu Hường nhận định, “RCEP là công cụ thúc đẩy kết nối Ấn Độ-Thái Bình Dương”.
2020 là năm có nhiều khó khăn song trong vị trí Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đóng vai trò quan trọng đưa ASEAN vượt qua thời kỳ đối mặt với nhiều thử thách về kinh tế và y tế. Việt Nam đã giúp ASEAN giữ vững mục tiêu khi tập trung vào các vấn đề chính của khu vực như thương mại, kế hoạch phục hồi sau đại dịch Covid-19 và sự đổi mới của thế giới sau đại dịch. Tiến sỹ Lê Thu Hường khẳng định, “trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thúc đẩy đoàn kết nội khối bằng chương trình nghị sự thúc đẩy sự phát triển”. Việc tổ chức Đối thoại ASEAN-LHQ nhằm tháo gỡ những trở ngại do Covid-19 gây ra đối với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững là một trong những minh chứng cho thấy điều này.
Tiến sỹ Lê Thu Hường cũng nhận định, trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, “Việt Nam cũng đã khiến tất cả các bên hài lòng khi lấy ASEAN làm trung tâm trong mọi hoạt động”. Bất chấp lo ngại việc ASEAN có thể trở thành nơi cạnh tranh giữa các cường quốc, Việt Nam đã cố gắng hướng ASEAN trở lại với bầu không khí “hợp tác”. Các hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 11 vừa qua cho thấy ASEAN đã nêu ra được rất nhiều vấn đề cần phải có sự hợp tác tập thể.
Tiến sỹ Lê Thu Hường khẳng định “vai trò Chủ tịch của Việt Nam đã giúp cho ASEAN vượt qua một số thách thức do Covid-19 tạo ra và đưa khu vực đi đúng hướng nhằm tiến đến sự phục hồi”./.