ASEAN-Hoa Kỳ sẽ thảo luận nhiều nhiều nội dung cấp bách
Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong hai ngày 12-13/5/2022 tại Thủ đô Washington D.C., Hoa Kỳ. Thủ tướng sẽ có 2 bài phát phát biểu tại Hội nghị và tại phiên họp của các nhà lãnh đạo.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc; là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng tới Hoa Kỳ kể từ sau Đại hội XIII, là cơ hội để lãnh đạo Việt Nam gặp gỡ trực tiếp các nhà lãnh đạo ASEAN nhằm thúc đẩy các nội dung hợp tác song phương.
Chuyến công tác tham dự sự kiện Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; góp phần khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng. Đồng thời khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, đề cao vị trí và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy hợp tác của ASEAN với Hoa Kỳ - đối tác quan trọng của ASEAN.
Quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ bắt đầu được thiết lập vào năm 1977. Trải qua nhiều giai đoạn, mối quan hệ này đã đạt kết quả khả quan trên các bình diện khác nhau, cả trong hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Hai bên thường xuyên có những trao đổi ở các cấp thông qua nhiều cơ chế khác nhau, trong đó có Cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ thường niên, Diễn đàn Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)… Về thương mại-đầu tư, Hoa Kỳ là bạn hàng lớn của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại ước tính đạt 362 tỷ USD năm 2021, tăng gần gấp đôi so với năm 2009. Hoa Kỳ cũng là nhà cung cấp FDI lớn nhất tại Đông Nam Á trong nhiều năm.
Hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ lần này là sự tiếp nối trao đổi cấp cao giữa ASEAN và Hoa Kỳ, khẳng định những cam kết của hai bên về hợp tác xây dựng lòng tin, thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại và tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai bên.
Sự kiện này còn là mong muốn của cá nhân Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr thể hiện sự quan tâm tới ASEAN ngay trong năm đầu nhiệm kỳ. ASEAN và Hoa Kỳ đã từng tổ chức Hội nghị đầu tiên tại Sunnylands, Hoa Kỳ vào năm 2016; sau đó nhất trí tổ chức Hội nghị lần thứ hai vào tháng 3/2020 nhưng phải hoãn do dịch Covid-19.
Được biết, dự kiến, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng và cấp bách trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực thoát khỏi khủng hoảng do đại dịch Covid-19 và những biến động bất ổn do cuộc chiến tranh Nga-Ukraine gây ra.
Nội dung dự kiến liên quan đến phục hồi từ đại dịch Covid-19 và sức khỏe người dân toàn cầu, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng rộng khắp, an ninh hàng hải, phát triển nguồn lực con người, tăng cường hợp tác nhân dân; chia sẻ quan điểm và tầm nhìn về các vấn đề khu vực và quốc tế mà các bên đều quan tâm. Đặc biệt, Hội nghị chú trọng vạch ra các hướng đi chiến lược để đưa quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tiếp tục phát triển vì lợi ích của người dân, hòa bình, và thịnh vượng.
Thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đi vào chiều sâu, ổn định
Cùng với sự kiện tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng sẽ có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Tại Washington DC, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden; dự kiến gặp Phó Tổng thống Kamala Harris; Thủ tướng sẽ tiếp song phương lãnh đạo Hoa Kỳ và lãnh đạo một số Bộ, cơ quan, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả tại Hoa Kỳ; thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ…
Trong thời gian ở Boston, Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc tọa đàm chính sách với các giáo sư Đại học Harvard; phát biểu trước các giáo sư, sinh viên của trường; thăm di tích dấu ấn Bác Hồ ở Boston.
Ở New York - nơi có trụ sở của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo Liên Hợp Quốc; tiếp, làm việc với lãnh đạo chính quyền thành phố, bạn bè, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả tại Hoa Kỳ; thăm, nói chuyện với cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và một số người Việt Nam làm việc tại Liên Hợp Quốc.
Kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, tháng 9/1977, 45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp Quốc phát triển tốt đẹp. Việt Nam luôn là thành viên trách nhiệm, tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung của Liên Hợp Quốc, nổi bật là thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, qua đó khẳng định vị thế và tầm vóc mới của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngược lại, hệ thống phát triển Liên Hợp Quốc cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội. Các tổ chức Liên Hợp Quốc, nhất là Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tích cực hỗ trợ Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2017-2021, Liên Hợp Quốc đã hỗ trợ Việt Nam hơn 423 triệu USD trong phát triển kinh tế-xã hội. Hiện hai bên đã thông qua Khung hợp tác chiến lược giữa Việt Nam-Liên Hợp Quốc giai đoạn 2022-2026 với các lĩnh vực trọng tâm là phát triển xã hội bao trùm, chống chịu với biến đổi khí hậu, thiên tai và bền vững môi trường, chuyển đổi nền kinh tế và quản trị với tổng ngân sách là hơn 542 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD so với giai đoạn 2017-2021.
Sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài trên cơ sở cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Với Việt Nam, Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Hai bên xác lập quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013. Hoa Kỳ nhiều lần khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập và phát triển giàu mạnh, mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên một tầm mức mới. Không chỉ là nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, với 1.135 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng kỳ hơn 10 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam, mà kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đã tăng nhanh và ổn định, đạt hơn 111 tỷ USD trong năm 2021, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020.
Đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch, Hoa Kỳ đứng đầu trong số các nước cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, đã viện trợ gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam cùng nhiều vật tư, thiết bị y tế phòng chống dịch. Khi tình hình chống dịch tại Hoa Kỳ cấp bách, Việt Nam đã hỗ trợ nước bạn thiết bị bảo hộ cá nhân và khẩu trang kháng khuẩn.
Ngoài ra, hai bên vẫn duy trì và thúc đẩy hợp tác quốc phòng-an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh; tăng cường hợp tác trong ứng phó với biến đổi khí hậu, giáo dục đào tạo…
Chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc lần này của Thủ tướng sẽ tạo động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài trên tất cả các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, khắc phục hậu quả chiến tranh;
Giới quan sát nhận định, chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ sẽ tạo những xung lực lớn trong thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn giữa Việt Nam-Hoa Kỳ trong thời gian tới./.