Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab nồng nhiệt chào mừng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm trụ sở Bộ Tư pháp Anh, đánh giá chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Anh, nhất là quan hệ giữa quốc hội Việt Nam với hai cơ quan lập pháp của Anh là Hạ viện và Thượng viện.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, nhấn mạnh Anh mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, giáo dục, tư pháp, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm chính thức Anh trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp và hướng tới 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2023 (1973 - 2023). Nhấn mạnh, Việt Nam rất coi trọng quan hệ với Vương quốc Anh, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Anh đang phát triển mạnh mẽ, tích cực, toàn diện, ở các cấp và nhiều lĩnh vực.

Hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ Việt Nam – Anh đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất và có rất nhiều tiềm năng, dư địa đang mở ra, nhất là khi Việt Nam và Anh đã trở thành Đối tác chiến lược và đã ký Hiệp định thương mại song phương cũng như thiết lập nhiều cơ chế hợp tác hiệu quả trên cả bình diện song phương và đa phương. Quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước phát triển tốt đẹp trên tất cả các kênh, ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hai nước vẫn đẩy mạnh các cuộc trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp hiệu quả và thực chất. Hai bên nhất trí kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh (1973 – 2023) bằng các hoạt động phong phú, thiết thực ở mỗi nước, duy trì các cơ chế hợp tác hiện có (như Đối thoại Chiến lược cấp Thứ trưởng ngoại giao; Ủy ban hỗn hợp kinh tế, thương mại, đầu tư; Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng)...

Về quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, hai bên chia sẻ nhận định những kết quả đạt được vừa qua dù rất tích cực nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và yêu cầu, mong muốn của cả hai nước. Hai bên đánh giá cao vai trò của UKVFTA là cơ sở pháp lý nền tảng cho phát triển mạnh mẽ, bền vững quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Đồng thời cho rằng, cần tận dụng các khuôn khổ thuận lợi, ưu đãi cao của Hiệp định để thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế phục hồi sau đại dịch và ứng phó với các thách thức về chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện Hiệp định UKVFTA, tạo điều kiện để các doanh nghiệp Anh mở rộng đầu tư ở Việt Nam, nhất là về tài chính xanh, dược phẩm, sức khỏe, công nghệ số, giáo dục, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch...

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ Anh tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, định cư ổn định và sinh viên Việt Nam học tập thuận lợi hơn.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tư pháp Dominic Raab cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ Anh trở thành đối tác đối thoại của ASEAN và mong được Việt Nam tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ để Anh sớm gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bộ trưởng đánh giá cộng đồng người Việt Nam tại Anh hoà nhập tốt với sở tại, khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ để cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc một cách hợp pháp, sinh viên Việt Nam học tập thuận lợi.

Đánh giá cao vai trò của Anh trong việc tổ chức thành công Hội nghị COP-26, Chủ tịch Quốc hội đề nghị để thực hiện cam kết COP-26, các nước phát triển và các tổ chức quốc tế hỗ trợ Việt Nam về tài chính xanh, công nghệ, phát triển năng lượng tái tạo và đào tạo nhân lực; thúc đẩy các doanh nghiệp Anh đầu tư gắn với ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Chủ tịch bày tỏ hoan nghênh những tiến triển ban đầu như G7 chọn Việt Nam là một trong ba nước ưu tiên hỗ trợ thực hiện chuyển đổi năng lượng theo COP-26, Đặc phái viên của Anh và Đặc phái viên của EU về Biến đổi khí hậu đã đến Việt Nam tháng 5.2022 vừa qua để trao đổi về quan hệ “Đối tác chuyển đổi năng lượng bền vững” (JETP). Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội Việt Nam ủng hộ Chính phủ, tăng cường vai trò lập pháp, giám sát, phân bổ ngân sách và nội luật hóa các cam kết để sớm đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao việc trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Anh ký Ý định thư về ký mới Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, thể hiện quyết tâm của hai Bộ Tư pháp trong việc làm mới MOU 2008 hướng đến các lĩnh vực hợp tác mang tính ưu tiên trọng tâm hơn bám sát với nhu cầu của cả 2 Bên cũng như phù hợp với bối cảnh tình hình mới, góp phần hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vương quốc Anh vào năm 2023.

Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Tư pháp Anh nhấn mạnh sứ mệnh của hợp tác pháp luật và tư pháp đóng vai trò tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy Quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Anh trên tất cả các lĩnh vực như: quốc phòng, kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội...

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên trao đổi và chia sẻ bối cảnh thế giới biến động khôn lường, môi trường chính trị quốc tế diễn biến phức tạp, gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các thách thức an ninh truyền thống như xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo…, cùng với an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu và dịch bệnh… nổi lên, tác động đến từng quốc gia, khu vực và toàn thế giới. Trong bối cảnh đó, các nước càng phải đẩy mạnh liên kết hợp tác, chung tay ứng phó với các thách thức. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của thượng tôn pháp luật, mọi quốc gia cần tôn trọng nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, trong đó có các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, không can thiệp vào công việc nội bộ, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, tăng cường đối thoại, các vấn đề trên biển cần phải giải quyết trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Nhân dịp này, qua Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Tư pháp Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Thủ tướng Anh Boris Johnson. Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Tư pháp Anh cho biết sẽ chuyển lời mời đến Thủ tướng Anh.

Tiếp đó, tại trụ sở Bộ Tư pháp Anh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến lễ Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Anh Dominic Raab ký Ý định thư về ký mới Biên bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực vực pháp luật và tư pháp giữa Chính phủ CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ai len (Ý định thư hợp tác).

Hợp tác pháp luật và tư pháp giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đã bắt đầu từ cuối những năm 90 thông qua các hoạt động trao đổi chuyên gia, tài liệu pháp lý, tổ chức một số hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp... Năm 2008, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Tư pháp Jack Straw, hai Bộ Tư pháp đã ký Biên bản hợp tác về pháp luật và tư pháp (MOU 2008). Phạm vi của MOU 2008 khá rộng bao gồm hợp tác trong lĩnh vực tư pháp hình sự, thông tin pháp luật, trợ giúp pháp lý...Trên cơ sở đó, phía Anh đã có 1 số hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tư pháp Việt Nam trong lĩnh vực pháp luật như: tiếp cận thông tin, công nhận và thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài, đánh giá tác động (RIA) trong xây dựng pháp luật...

Hai Bên cũng đã trao đổi một số đoàn cấp Bộ và cấp Vụ để nghiên cứu, khảo sát về một số chủ đề cụ thể. Phía Anh cũng dành cho Bộ Tư pháp một số suất học bổng đào tạo thạc sỹ và bồi dưỡng chuyên sâu. Học viện Tư pháp trực thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam cũng đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác với Đại học Nottingham Trent của Vương quốc Anh.

Việc ký Ý định thư lần này thể hiện quyết tâm của hai Bộ Tư pháp trong việc làm mới MOU 2008 hướng đến các lĩnh vực hợp tác mang tính ưu tiên trọng tâm hơn bám sát với nhu cầu của cả 2 Bên cũng như phù hợp với bối cảnh tình hình mới./.