Ngay sau khi kết thúc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, chiều nay, tại thị trấn Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu ở Đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ đã tiến hành tiếp xúc cử tri.

vov_chu_tich_quoc_hoi_1_rwch.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 28/11.

Việc các công trình giao thông xuống cấp nghiêm trọng; vướng mắc của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; lo ngại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt nghiêm trọng là những ý kiến mà cử tri ở thị trấn Phong Điền nêu ra tại cuộc tiếp xúc cử tri.

Là người theo dõi đầy đủ các phiên họp của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 qua kênh thông tin, báo chí, cử tri Võ Văn Chính bày tỏ phấn khởi trước những thành tựu, đổi mới đất nước, đổi mới của Quốc hội trong thời gian qua. Tại diễn đàn Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ đã tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri; góp phần xây dựng phát triển kinh tế xã hội; tăng cường vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Bày tỏ băn khoăn về chất lượng công trình giao thông đang gây bức xúc đến mức báo động trong nhân dân. Cử tri Võ Văn Chính đã đưa ra ví dụ những công trình vừa đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp như Quốc lộ 1, Quốc lộ 8, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

"Nhiều công trình giao thông ngàn tỷ đồng, chậm tiến độ, đội vốn cao tuy  mới xong được đưa vào sử dụng vài tháng đã xuống cấp hư hỏng. Có công trình chưa đưa vào sử dụng làm thất thoát lớn, gây lãng phí ngân sách nhà nước, làm mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng lớn đến tốc độ phát triển của đất nước. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho biết nguyên nhân và giải pháp gì để ngăn chặn và khắc phục vấn nạn này?", cử tri Võ Văn Chính nêu ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội tiếp xúc cử tri tại Thị trấn Phong Điền.

Trả lời về câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là tồn tại yếu kém mà trong các kỳ họp Quốc hội đều được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ, phân tích với nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Những công trình lớn đã có kế hoạch vốn rồi mà làm chậm hay là chất lượng kém, đó là vi phạm chính sách pháp luật về giao thông. Tôi đơn cử công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, khi mới vừa bàn giao sử dụng thì đã bị lún nứt, hư hỏng. Vừa rồi đã khởi tố bắt giam Ban quản lý của dự án đầu tư này. Sắp tới, những trường hợp chất lượng công trình không đảm bảo, sử dụng đầu tư vi phạm chính sách pháp luật hay có bất kỳ một vi phạm nào trong việc thực hiện dự án đầu tư công, trong đó có đầu tư giao thông, đều bị quy trách nhiệm xử lý nghiêm, dù ở bất kỳ đâu, có sai phạm thì phải bị xử lí", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Quan tâm đến những khó khăn, vướng mắt của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, cử tri Trần Hoàng Phong cho rằng, thực hiện Luật đất đai 2013, mô hình triển khai tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện và chi nhánh, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở cấp huyện trực thuộc Ủy ban huyện về Sở Tài nguyên Môi trường, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh là không phù hợp với tình hình thực tế.

"Có nhiều khó khăn bất cập không phù hợp với thực tế trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, phải mang đi mang về tất cả hồ sơ từ huyện đến sở. Tính an toàn khi vận chuyển hồ sơ từ huyện đến sở không đảm bảo. Mặt khác, Ủy ban nhân dân huyện không quản lý được hoạt động của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thuộc do Sở do Sở quản lý. Những yếu tố đó làm cho việc giải quyết hồ sơ hành chính chưa kịp thời cho người dân", cử tri Trần Hoàng Phong cho biết.

Các cử tri nêu những ý kiến thực tế và thẳng thắn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết: "lắng nghe ý kiến của bà con, chúng tôi sẽ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra lại tình hình và sẽ giải quyết cụ thể. Đặt văn phòng ở đâu mà thuận lợi cho người dân trong giao dịch về đất đai, chứ không thể, nay thì đặt ở huyện mai thì rút lên thành phố. Rút lên hai đưa lại một, sẽ tạo xáo trộn không cần thiết. Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận những ý kiến này để yêu cầu Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời".

Cử tri Nguyễn Văn Dũng lại bày tỏ lo ngại về tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng.

"Hiện nay tình trạng sạt lở bờ sông do các nguyên nhân khác như: khai thác nguồn nước ngầm quá mức; các nước đầu nguồn sông Mê Kông xây dựng nhiều đập thủy điện làm ảnh hưởng đến nước không còn phù sa, bồi đắp; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vậy Quốc hội, Chính phủ có giải pháp gì để hạn chế hiện trạng này?", Cử tri Nguyễn Văn Dũng đặt câu hỏi.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tất cả những vấn đề này đã được Đảng, nhà nước và các bộ ngành liên quan bàn bạc cụ thể và điều quan trọng là chúng ta đã có những kịch bản, những chương trình chiến lượt mang tầm quốc gia để ứng phó với biến đổi khí hậu.

"Trong thực tế, tất cả những kịch bản đó phải được cập nhật. Khi cập nhật rồi thì phải có những giải pháp xử lý không phải trước mắt mà về lâu dài. Chính phủ, Quốc hội thường xuyên chỉ đạo để cho Đồng bằng sông Cửu Long không biến mất mà có thể thích ứng để sản xuất cây gì, trồng lúa hay chuyển sang trồng cây gì mà không cần không bị phụ thuộc vào nước mặn. Nguồn nước ngọt và nuôi tôm, cá ra sao. Tất cả những kịch bản này thuộc ở tầm vĩ mô, Ban chỉ đạo Quốc gia đã chỉ đạo và chúng tôi xin lắng nghe tiếp thu ý kiến của bà con. Sự lo lắng của nhân dân là đúng", Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội đã thông báo với cử tri những  nội dung quan trọng mà kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã thảo luận và cho ý kiến. Theo đó, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết và cho ý kiến 10 dự án luật khác. Trong đó có các nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Vương quốc Campuchia; Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Dự kiến ngày mai, Chủ tịch Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri tại quận Ninh Kiều và huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ./.