Sáng nay (17/12), tại Đà Nẵng, diễn ra Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức.Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị
Dự hội nghị về phía Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Về phía khách mời quốc tế có ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU; ông Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc, Trưởng các cơ quan đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cùng một số nghị sỹ, chuyên gia quốc tế của UNDP và IPU tham dự.
Hội nghị là sự kiện quan trọng, thể hiện ý chí, cam kết chính trị của Quốc hội Việt Nam đối với việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Đặc biệt, với các tiêu chí trong “Bộ Công cụ tự đánh giá Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững”, lần đầu tiên các nghị viện có thể cùng nghiên cứu, tham khảo và áp dụng phương tiện này để tự đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triền bền vững tại quốc gia mình.
Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu ưu tiên thực hiện, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt. Chương trình nghị sự 2030 thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, các mục tiêu Phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ hành tinh đang sinh sống. Để đạt được những mục tiêu đó, sự tham gia của các Đại biểu Quốc hội, cũng như Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, là những người được nhân dân trao quyền và gửi gắm nguyện vọng,… có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát việc thực hiện và phân bổ ngân sách cho hoạt động triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong những nỗ lực đó, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao việc Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp cùng hình thành Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử trên lĩnh vực này.
Ông Martin Chungong phát biểu tại Hội nghị |
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Trong đó Quốc hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế.
“Bên cạnh đó, Quốc hội thực hiện việc giám sát tối cao đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước về kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, về ứng phó biến đổi khí hậu, về đầu tư cho y tế, khoa học công nghệ,… để đảm bảo phát triển bền vững. Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quốc hội Việt Nam cũng góp phần thúc đẩy việc tham gia và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc thẩm tra và phê chuẩn việc Việt Nam tham gia các công ước, điều ước quốc tế. Ngoài ra, Quốc hội Việt Nam cũng chú trọng đến việc nâng cao nhận thức của người dân về các mục tiêu phát triển bền vững và sự cần thiết của việc lồng ghép các mục tiêu này, đưa các Mục tiêu phát triển bền vững trở thành các mục tiêu quốc gia trong dài hạn; qua đó huy động các nguồn lực và sự tham gia của người dân vào việc thực hiện các mục tiêu.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, việc nâng cao nhận thức của các đại biểu dân cử về vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với các mục tiêu phát triển bền vững là rất cần thiết. Bộ Công cụ tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững dành cho các nghị viện là một văn bản quốc tế có vai trò hướng dẫn để các đại biểu tham khảo, từ đó đưa ra những kế hoạch triển khai thực hiện nhằm phát huy tốt nhất quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo ông Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU, IPU cũng đang theo đuổi mục tiêu chung vì người dân, không bỏ lại ai ở phía sau và bày tỏ vui mừng khi biết Việt Nam cũng đang hướng đến những mục tiêu này. Đó cũng chính là cam kết của hơn 180 nước trên thế giới khi đến Hà Nội tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 tổ chức tháng 3 năm 2015 để thực hiện các mục tiêu này. Ông Martin Chungong đánh giá cao Quốc hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị; tin tưởng với sự nỗ lực và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và IPU sẽ đạt được kết quả tốt trong thời gian tới; đây sẽ là cơ hội vàng để thực hiện bộ công cụ nhằm thực thi và giám sát để năng cao sự thịnh vượng cho cuộc sống của người dân.
“Tôi nghĩ rằng, thực hiện những mục tiêu chúng ta phải Luật hóa các vấn đề này để có những cơ chế giám sát thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và Quốc hội có những biện pháp giám sát điều chỉnh. Là những cơ quan đại diện cho người dân, Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội có vai trò quan trọng kết nối người dân với Chính phủ. Ví thế, các đại biểu phải nỗ lực để quan tâm đến tất cả người dân đặc biệt là những nhóm yếu thế. Đặc biệt, chúng ta phải thể hiện cam kết của mình”- Martin Chungong chia sẻ.
Tổng Thư ký IPU đã trao bộ công cụ được dịch sang tiếng Việt cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Thay mặt cho Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển.
Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng Hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Để triển khai thành công Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu, trình Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Luật pháp, chính sách cần thể hiện các nội dung cơ bản của Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hợp quốc; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030; ưu tiên bố trí nguồn lực, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển bền vững, nhất là trong kết nối hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, theo dõi, giám sát, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế đối với các mục tiêu phát triển bền vững…
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh các đại biểu dự Hội nghị. |
Chủ tịch Quốc hội hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ
Chủ tịch Quốc hội nhận bằng tiến sĩ danh dự chính trị học của Hàn Quốc
Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam luôn mở cửa chào đón doanh nghiệp Hàn Quốc