Tại phiên họp 53 diễn ra sáng 23/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Thẳng thắn để rút ra bài học quý
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, nhiệm kỳ qua, Chính phủ thể hiện tốt là cơ quan chấp hành của Quốc hội, luôn lắng nghe và thực hiện đúng Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ đã có chuyển biến mạnh mẽ, quan tâm công tác hoàn thiện thể chế; xây dựng, sửa đổi, bổ sung pháp luật. Bên cạnh đó là điều hành cân đối giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, công nghệ, bảo vệ môi trường, ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân cũng như giữ vững an ninh chính trị và tật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Cải cách hành chính đạt hiệu quả tốt trên nhiều lĩnh vực. Công tác đối ngoại và quan hệ quốc tế có những thành công nổi bật.
“Khi đất nước đứng trước hiểm hoạ thiên tai, đại dịch thì Chính phủ xử lý nhanh và kiểm soát tình hình, có giải pháp rất hiệu quả, được nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế ca ngợi” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Bày tỏ ấn tượng về Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ này, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điều đó thể hiện rõ trong hoạt động Quốc hội như chất vấn, giải trình đã nắm rất chắc vấn đề, “tất nhiên còn mặt này mặt kia cử tri và đại biểu momg muốn tốt hơn cũng là bình thường, nhưng nhìn chung rất tốt”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần tránh quan điểm "kết quả đạt được thuộc về sự điều hành nhạy bén, năng động của Chính phủ nhưng khi không đạt được cái gì đó thì các báo cáo hay “đổ thừa” do bất cập, chồng chéo của pháp luật mà không thừa nhận yếu kém trong tổ chức thực hiện".
“Cái gì thuộc trách nhiệm của chúng ta thì phải nhận để phối hợp làm tốt hơn. Nói pháp luật chồng chéo thì cần cụ thể khoản nào, điểm nào, điều nào chứ không “đổ thừa” cả hệ thống pháp luật. Nếu pháp luật chồng chéo thì đất nước không được như ngày nay đâu, do đó nên rõ ràng trong đánh giá” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bên cạnh điểm tích cực thì “xử lý tồn tại cũ còn chậm, thúc đẩy cái mới chưa nhanh”. Điều đó biểu hiện ở xử lý 12 dự án cũng như các dự án trọng điểm quốc gia; tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết điểm nghẽn chưa kịp thời, thậm chí chậm. Bởi nếu làm tốt thì tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là tâm lý của một bộ phận cán bộ, công chức trước quá nhiều sai phạm bị thanh tra, kiểm tra, xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự và yếu tố cuối nhiệm kỳ. Có những việc đúng pháp luật rồi nhưng chỗ này đẩy lên, chỗ kia đẩy xuống, không dám làm.
“Tôi ấn tượng với Chính phủ nhiệm kỳ này. Trong cuộc sống không phải cái nào cũng tốt hết, và không phải chỉ có Chính phủ mà Quốc hội, các bên có việc làm rất tốt, có cái tốt ít, thậm chí có cái chưa làm được. Cuối nhiệm kỳ ngồi lại thẳng thắn với nhau để có bài học quý giá cho nhiệm kỳ tới” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Cần đánh giá đúng tình trạng sức khoẻ, sức chịu đựng của nền kinh tế
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đánh giá, báo cáo nhiệm kỳ được Chính phủ chuẩn bị kỹ, công phu, có nhiều số liệu cụ thể, cơ bản làm rõ kết quả đạt được với 12 nhóm nội dung chính, đánh giá mặt được, mặt chưa được, kinh nghiệm và định hướng lớn cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Nhiệm kỳ qua, dù bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, trong nước đối mặt nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không ngừng đổi mới, quyết liệt trong hành động và thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Ông Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ về kết quả đạt được cũng như phương hướng đảm bảo quốc phòng, an ninh bởi đây là vấn đề đặc biệt quan trọng và Chính phủ có vai trò rất lớn. Báo cáo cần bổ sung, nhất là đánh giá được tình hình, xu hướng tới đây, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; theo dõi, nắm chắc tình hình, cương quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phân tích dự báo tình hình để có chủ trương đối sách phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng bày tỏ ấn tượng sâu sắc với Chính phủ nhiệm kỳ qua. Đề cập công tác đối ngoại, ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, Chính phủ đã thực hiện vai trò và hoàn thành xuất sắc khi Việt Nam đảm nhiệm Năm Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, APEC, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Việt Nam cũng rất thành công trong ký kết và phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, mở ra động lực mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính phủ điều hành đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế vẫn tăng tưởng dương. Công tác phòng, chống dịch đạt kết quả tốt và được quốc tế đánh giá cao...
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Văn Giàu, còn có những vấn đề cần quan tâm ngay từ bây giờ, dù còn vài tháng nữa là hết nhiệm kỳ nhưng rất quan trọng, là tiền đề bước sang khoá mới. Đó là đánh giá đúng tình trạng sức khoẻ, sức chịu đựng của nền kinh tế, doanh nghiệp, người lao động, người dân từ ảnh hưởng do đại dịch kéo dài. Khẩn trương có chính sách cấp bách để hỗ trợ nhằm duy trì thực hiện mục tiêu kép.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến, đánh giá kỹ và làm rõ hơn nhiều nội dung đã được chỉ ra để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp 11- Kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khoá XIV./.