Sáng nay (18/5), tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia chủ trì hội nghị; đồng chủ trì có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Trương Hòa Bình, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Đỗ Văn Chiến, Phó chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Võ Thị Ánh Xuân. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại 63 Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là lần thứ hai kể từ ngày 21/1/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Thời gian qua, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong phạm vi cả nước. Các Tiểu ban, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Bộ Công an đã tổ chức lễ ra quân, phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng, kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử. Một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm và có kết quả rất thành công. Một số địa phương đã tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện có những khó khăn rất lớn về phòng, chống COVID-19, đơn cử như thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, và một số địa phương khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, các địa phương rất tích cực, chủ động và đã tổ chức diễn tập thực hành quy trình bầu cử, nhất là những khu vực cách ly tập trung, những nơi có giãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số địa bàn dân cư, một số quận, huyện. Cho đến nay một số công việc chuẩn bị cho bầu cử đã hoàn thành, sẵn sàng cho bầu cử vào ngày 23/5 sắp tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn 5 ngày, để bảo đảm cho cuộc bầu cử được tổ chức một cách dân chủ, đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối an toàn và thành công tốt đẹp, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta, ở một số địa bàn trọng điểm. Hội đồng bầu cử quốc gia đã quyết định tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngày 18/5 nhằm mục đích tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị cho đến nay, kịp thời lắng nghe và giải quyết các vướng mắc, khó khăn, các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các tổ chức cơ quan hữu quan nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất, đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra đúng theo kế hoạch, thực sự là ngày hội non sông, ngày hội của toàn dân và thực sự thành công tốt đẹp.
Báo cáo trước hội nghị, Tổng thư ký, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, đạt kết quả cao. Công tác chuẩn bị đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Nhiều địa phương có những sáng kiến, sáng tạo trong công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả; áp dụng việc công khai danh sách cử tri trên nền tảng mạng xã hội; lập sổ phản ánh để người dân có thể ghi kiến nghị đính chính, sửa đổi, bổ sung, sửa đổi thông tin trong việc lập và niêm yết danh sách cử tri; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các thành viên tham gia tổ bầu cử; ban hành phương án tổ chức bầu cử trong điều kiện dịch bệnh Covid-19; tổ chức tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đảm bảo công bằng, dân chủ và điều chỉnh linh hoạt; trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tổ chức các hoạt động bằng hình thức trực tuyến và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho cuộc bầu cử.
Tính đến 17h ngày 14/5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trong đó, có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Quốc hội, 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 6 đơn không liên quan đến bầu cử. Đa số các nội dung tố cáo chủ yếu liên quan đến nhân sự ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp về các nội dung quản lý đất đai, xây dựng; số vụ khiếu nại, tố cáo về bầu cử, nhất là đoàn đông người, phức tạp giảm nhiều, số lượng đơn gửi về Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ bằng 15% so với kỳ bầu cử trước.
Theo đề nghị của 15 tỉnh, Hội đồng bầu cử quốc gia đã có văn bản cho phép nhiều khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này bỏ phiếu sớm, Tính đến thời điểm này, trên địa bàn 3 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã tổ chức bầu cử sớm.
Cho ý kiến tại hội nghị, liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, hiện tại một số địa điểm bầu cử chưa có khu vực dành riêng cho người nghi nhiễm Sarcov2, chưa đảm bảo giãn cách 2m và thông thoáng, chưa đảm bảo cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra một chiều.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Bộ Y tế cũng đề xuất Hội đồng bầu cử quốc gia tiếp tục chỉ đạo quán triệt Hội đồng bầu cử các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch và kế hoạch số 538 để đảm bảo bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được thành công trọn vẹn. Bên cạnh đó, các địa phương phải thường xuyên giám sát dịch bệnh để có phương án ứng phó kịp thời. Bộ y tế cũng đã thành lập tổ công tác thường trực tại Bộ Y tế để sẵn sàng giải đáp các thắc mắc các địa phương ứng phó với các tình huống xảy ra từ nay đến hết bầu cử.
Bắc Giang là một trong những địa phương có diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, là điểm nóng hiện nay, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, khó khăn nhất của địa phương này là dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. 0h sáng nay, ngày 18/5, tỉnh Bắc Giang cho dừng hoạt động 4 khu công nghiệp lớn và cách li xã hội huyện Việt Yên có trên 200 nghìn dân, 100 nghìn công nhân đang lưu trú trên địa bàn, 3 xã có đông dân cư tại huyện Yên Dũng, 28 thôn, tổ dân phố đang phải cách li…v.v.
Trước thực trạng này, Bắc Giang đã đưa ra 6 tình huống cho công tác chuẩn bị bầu cử. Theo đó, tỉnh Bắc Giang thay đổi thành viên tổ bầu cử là những cán bộ điều hành tại các bệnh viên dã chiến, phục vụ cho việc tổ chức bỏ phiếu và kiểm phiếu tại chỗ. Tại các khu cách li tập trung cũng được thực hiện tương tự, điều chỉnh các điểm bỏ phiếu cho phù hợp với tình hình hiện tại, việc kiểm phiếu được theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo khách quan, dân chủ. Lên phương án để tổ chức bảo hộ cho thành viên tổ bầu cử đi vào địa điểm bị cách ly đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
"Chúng tôi đang gặp khó khăn, đang phải ngày đêm gấp rút để giải quyết, đó là điều chỉnh rà soát danh sách cử tri, do việc xuất hiện dịch bệnh trong khu công nghiệp, khi xuất hiện các ca F1 thì sẽ cách ly rất nhiều công nhân, có khi một trường hợp F1, cách ly hàng nghìn công nhân. Do vậy, điều chỉnh danh sách cử tri phải cập nhật liên tục. Hiện nay chúng tôi phải căng mình để cập nhật danh sách cử tri để làm sao tính toán như người đi cách ly. Những người đi làm nhiệm vụ hiện nay phải trưng tập thêm cả y bác sĩ đã nghỉ hưu, thanh niên tình nguyện, sinh viên nghỉ học nghỉ tại nhà để đi tham gia. Đi tham gia như thế này thì sẽ không thể về bầu cử tại nơi cư trú được"-Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nói.
Thành phố Đà Nẵng hiện có 32 khu cách ly tập trung, 19 khu dân cư có quyết định cách ly y tế, 51 khu dân cư đang phong tỏa. Cập nhật đến thời điểm tối qua, 17/5 có gần 6.450 người là F1, F2 đang cách ly tại cơ sở cách ly tập trung y tế và cách ly tại nhà.
Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, để thực hiện tốt phương châm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cử tri đi bầu cử, ngoài những việc chỉ đạo chung của Hội đồng bầu cử quốc gia và có phương án cụ thể từng địa phương trong những ngày tới, TP Đà Nẵng đã chỉ đạo tất cả 525 điểm bầu cử trên địa bàn thành phố đều phải diễn tập 4 phương án trong phòng chống dịch.
"Đà Nẵng đã triển khai xét nghiệm Covid-19 cho tất cả hơn 12.200 thành viên của các tổ bầu cử cho 525 điểm bầu cử. Chúng tôi triển khai xét nghiệm cho đại diện hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Theo số liệu báo cáo là có 276.000 hộ gia đình, trong đó đảm bảo một gia đình, ít nhất có một người được xét nghiệm y tế trước khi tiến hành bầu cử. Một việc nữa là thành phố cũng yêu cầu khai báo y tế điện tử bắt buộc để vừa phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh và vừa làm cơ sở dữ liệu để kiểm soát người đi bầu cử, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa có thêm thông tin cho kiểm soát việc bầu cử lần này"- ông Triết cho hay.
Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia cần dự liệu các tình huống liên quan đến khí hậu, thời tiết, đặc biệt là những vùng núi, vùng sâu, vùng xa trong ngày bầu cử. Lấy ví dụ thực tế từ chuyến kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử tại Bắc Cạn, ngay trước hôm đoàn đến kiểm tra, giám sát thì trên địa bàn xảy ra lũ ống, lũ quét làm hơn 400 ngôi nhà bị sạt, có trường hợp bị thương hoặc tử vong. Vì thế cần tính đến trường hợp thời tiết không thuận lợi để ủy quyền cho địa phương tổ chức bầu cử cho phù hợp với thực tế.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia nhấn mạnh, đến nay, mọi công việc chuẩn bị về cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021. Tất cả các địa bàn khó khăn nhất hiện nay như Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, nơi đang có diễn biến dịch Covid - 19 rất phức tạp cũng đều quyết tâm tổ chức bầu cử đúng thời gian và thành công. Đó là quyết tâm chính trị rất cao.
Cho rằng, chỉ còn 5 ngày nữa là đến ngày bầu cử nhưng tình hình có những diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid - 19 và những rủi ro tiềm ẩn về thiên tai, bão lũ, về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra 10 vấn đề cần thực hiện trong những ngày sắp tới, trong đó tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45 ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn về công tác bầu cử; chủ động xây dựng phương án tổ chức bầu cử phù hợp với tình hình từng địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, tập dượt kỹ càng các phương án.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với đề xuất của nhiều địa phương về việc cần tiếp tục tập huấn bổ sung cho cán bộ tham gia bầu cử, nhất là các tổ bầu cử; dự phòng nguồn nhân lực để bổ sung kịp thời cho các Tổ bầu cử trong trường hợp phải tách tổ bầu cử để thực hiện nhiệm vụ tại những nơi có khu cách ly tập trung.
Về những vướng mắc của địa phương liên qua đến danh sách cử tri tại các địa phương có dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ đạo, hiện nay cái khó là việc cập nhật sự biến động của cử tri, phát thẻ cử tri cũng như đảm bảo quyền cho cho các ứng cử viên, cho công dân để có tỷ lệ đi bầu cao nhất. Thực tế có những người ở xã này nhưng đi cách ly ở xã khác, nếu khác xã, nhưng trong cùng một huyện thì vẫn có thể bầu 3 cấp, Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và HĐND cấp huyện. Linh hoạt, sáng tạo tổ chức các địa điểm khu vực bầu cử tại các địa bàn trọng trong diện đang dãn cách xã hội hoặc tập trung vào khu vực phong tỏa.
Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về bầu cử; chú trọng thông tin cơ sở. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều nơi không chỉ tiến hành trực tuyến, mà còn phát thanh trực tiếp để người dân, cử tri đang đi làm ruộng cũng vẫn nghe được chương trình hành động của ứng cử viên, không phải cứ ngồi theo dõi trực tuyến mới nắm được thông tin. Từ nay đến ngày bầu cử, cần chú trọng tuyên truyền sâu hơn về quyền bầu cử của công dân; truyền thông về các bước cụ thể, nguyên tắc trong quá trình tổ chức bỏ phiếu, thế nào là phiếu hợp lệ, phiếu không hợp lệ.
Với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cần phát huy tốt vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, người có uy tín tham gia vào các đội, tổ tuyên truyền bầu cử, sẵn sàng phương án hòm phiếu lưu động để phục vụ cử tri trong trường hợp cần thiết; chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, phản động, kể cả trên không gian mạng.
Tiếp tục tập trung cho công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, kiên quyết không để các thế lực phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại cuộc bầu cử, các lực lượng công an, quân đội, tự vệ, y tế cần phối hợp chặt chẽ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho ngày bầu cử, nhất là thời điểm khai mạc bầu cử, nơi có đông cử tri đến dự, tùy theo tình hình thực tế của từng địa phương cần tổ chức trọng thị, nghiêm trang nhưng gọn nhẹ. Bảo đảm an toàn cho từng hòm phiếu.
Khẩn trương cấp phát đủ kinh phí còn lại bổ sung kinh phí cho địa phương phát sinh nhiều do tác động của phòng, chống dịch bệnh, ứng phó với thiên tai bão lũ và những địa phương đặc biệt khó khăn chưa cân đối được ngân sách, không để vấn đề kinh phí ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Hội đồng Bầu cử quốc gia và Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử, danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa 15 trong cả nước, danh sách những người trúng cử đại biểu HĐND các cấp theo đúng thời hạn luật định. Cần sớm lên kế hoạch tổng kết khen thưởng biểu dương những tập thể tổ chức và cá nhân mà có thành tích xuất sắc trong đợt bầu cử.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý, cấp ủy chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời giải quyết những khó khăn do dịch bệnh thiên tai gây ra, nhất là đối với các gia đình chính sách hộ nghèo, quan tâm bảo đảm các điều kiện sinh hoạt, môi trường sản xuất, kinh doanh; làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở không để xảy ra các vụ việc khiếu kiện đông người./.