Phát biểu tại buổi làm việc với Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chiều nay (28/4) tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, theo quy định của Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội sẽ phải xây dựng một chương trình hành động theo Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Bộ Chính trị sẽ kiểm tra nội dung này trong quý IV/2021. Còn tại kì họp lần thứ 11, Quốc hội khóa 14 đã thông qua nghị quyết, trong đó giao Quốc hội 8 nhóm vấn đề nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là cuộc làm việc thứ 10 của Lãnh đạo Quốc hội với các cơ quan của Quốc hội. Thành tựu Quốc hội đã đạt được trong 75 năm qua và nhất là trong nhiệm kỳ Khóa XIV là rất lớn, tuy nhiên, qua các cuộc làm việc cũng đã cho thấy, vẫn còn dư địa để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới, nhưng cũng rất khó để thực hiện. Trong các nội dung về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cần tiếp tục đổi mới theo hướng nhìn rộng, suy cho kỹ. Đặc biệt, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ động xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Ủy ban cho Quốc hội khóa 15, trên nền tảng có sẵn về các công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đây cũng là chương trình hành động chung của Quốc hội.
Về công tác lập pháp, Ủy ban cần chủ động hơn, tăng cường sáng kiến lập pháp, kể cả luật hay pháp lệnh, có cơ chế hỗ trợ tối đa cho các đại biểu Quốc hội và Ủy ban. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sáng kiến không chỉ là đề xuất về lập pháp để thực hiện, mà còn là các đề xuất để đưa vào chương trình; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cần chủ động hơn trong công tác này, không nên trông chờ bị động.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm không mâu thuẫn với định hướng dài hơn hơn, 5 năm, thậm chí 10 năm. Trong nghị quyết Trung ương có đề cập đến Chiến lược xây dựng pháp luật, Quốc hội đang nghiên cứu, phân công công việc cho Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Pháp luật làm đầu mối để tổng hợp tất cả kiến nghị đề xuất. Đặc biệt, cần nghiêm túc chấp hành quy trình xây dựng pháp luật, tránh nể nang.
Về vấn đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần làm rõ nội hàm giám sát tối cao của Quốc hội khác với giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tiếp tục theo dõi, từ đó có lựa chọn những vấn đề trong tầm của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tầm các Ủy ban; cần chuyển trọng điểm từ giám sát vụ việc, sang giám sát triển khai các văn bản hướng dẫn luật, việc thực thi; tăng cường và nâng cao công tác giải trình của các bộ ngành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí với kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong việc chủ động thí điểm chuyển đổi số. Nghị quyết số 52-NQ-TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã nêu mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong muốn, qua việc thí điểm chuyển đổi số, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ tư vấn cho Quốc hội trong việc xây dựng Quốc hội điện tử; đồng thời giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chuẩn bị một số báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số./.