Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành giáo dục quan tâm 5 nhiệm vụ trọng tâm, đó là tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục; tiếp tục triển khai có hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội về giáo dục - đào tạo. Trong đó, cần lưu ý tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình, bảo đảm chất lượng và giá thành phù hợp.

Tại buổi gặp mặt, các thầy giáo, cô giáo cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội dành cho ngành giáo dục thời gian qua; đồng thời đề nghị Bộ, Ban, ngành liên quan quan tâm để có thêm chế độ ưu đãi cho giáo viên mầm non cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường mầm non; có những giải pháp để giảm bớt khó khăn cho các giáo viên vùng sâu vùng xa; tăng cường nguồn lực cho nghiên cứu khoa học trong đội ngũ giáo viên; cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong quá trình chuyển đổi số quốc gia; nhân rộng mô hình Trường học hạnh phúc.

Trò chuyện tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, những năm qua, ngành giáo dục đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và quá trình hội nhập quốc tế.

Trong hoạt động của Quốc hội, giáo dục luôn là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Liên tục từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác, ngành giáo dục luôn phải đứng trước những áp lực rất nặng nề. Thế nhưng, ngành giáo dục đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, như Chất lượng giáo dục phổ thông ngày càng nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa được triển khai theo đúng lộ trình quy định. Sách giáo khoa, nhất là lớp 1 dù còn nhiều vấn đề, nhưng sẽ  tiếp tục được hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tới nay, cả nước ta đã có nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Kết quả các cuộc thi quốc tế ngày càng cao. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện rõ rệt, tự chủ đại học được thúc đẩy, tạo đột phá trong quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Chỉ số xếp hạng và số lượng các trường đại học của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các trường có chất lượng tốt, uy tín trong khu vực và thế giới được nâng lên. Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển ấn tượng. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố, tăng cường về số lượng và chất lượng.

Năm học vừa qua, trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, ngành giáo dục đã chủ động, kịp thời đề ra phương án phù hợp, vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp và hình thức dạy học, nhất là dạy học trực tuyến để các hoạt động giáo dục không bị ngưng trệ, “đứt gãy”; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, được nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nền nếp, chất lượng, dần dần phù hợp với xu hướng quốc tế."

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự tri ân, cảm ơn đối với những cống hiến thầm lặng của các thầy cô; biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực và kết quả đạt được của ngành giáo dục trong suốt thời gian qua.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đất nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới với mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Điều đó đặt ra những yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao hơn nữa trong việc phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi phải có những giải pháp, biện pháp hữu hiệu để khắc phục những vấn đề còn tồn tại hiện nay như: vấn đề sách giáo khoa, bạo lực học đường; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý là vẫn còn những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật, xâm hại trẻ em tại một số cơ sở giáo dục, và cho dù những hành vi này là thiểu số nhưng được dư luận quan tâm và đem lại những áp lực rất lớn cho ngành giáo dục.

Với mong muốn ngành giáo dục tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong quá trình đổi mới, phát triển đất nước, nhất là nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ngành giáo dục quan tâm 5 nhiệm vụ trọng tâm đó là tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển giáo dục.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng: "Đặc biệt, vào thời điểm hiện nay, ngành giáo dục cần tích cực tham mưu, đóng góp những ý kiến, đề xuất, định hướng, nội dung thiết thực, phù hợp với thực tiễn phát triển ngành cũng như phương hướng phát triển kinh tế - xã hội để góp phần hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong chương trình dạy và học, phải đảm bảo chất lượng nhưng vẫn giảm tải cho người dạy và học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm định chất lượng, chú trọng kiểm định quốc tế các cơ sở giáo dục đại học, ngành đào tạo. Quan tâm đầu tư hơn nữa để phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới để bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho người dân."

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế - xã hội nước ta có sự biến chuyển cả tích cực và tiêu cực như: kinh tế đi lên, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, vô cảm, ích kỷ. Điều này đòi hỏi một mặt, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần đẩy mạnh nghiên cứu, sáng tạo, không ngừng hoàn thiện kiến thức, kỹ năng sư phạm để thích ứng trong tình hình mới; mặt khác, phải luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất, nhân cách; hoàn thành trọng trách chèo lái "con thuyền tri thức" của đất nước./.