Dự cuộc làm việc có Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn giám sát của Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các thành viên Đoàn giám sát, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai. 

Theo đoàn giám sát, qua báo cáo của 3 địa phương, còn nhiều vấn đề phải làm rõ đó là, việc lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch Thành phố, quy hoạch 2 tỉnh thời kỳ 2021-2030 hiện nay đều rất chậm, Thành phố Hồ chí Minh chưa được phê duyệt nhiệm vụ lập qui hoạch; tỉnh Bình Dương chưa lựa chọn được tư vấn lập qui hoạch; tỉnh Đồng Nai đang triển khai lập.

Đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, các địa phương còn nhiều nội dung chưa hoàn thành, đang rà soát để lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung hoặc đã hoàn thành các quy hoạch xây dựng trọng tâm, các quy hoạch khác chưa báo cáo rõ kết quả, tiến độ.

Phối hợp lập và thẩm định quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 chưa báo cáo cụ thể và còn chung chung. Vấn đề tích hợp các quy hoạch vào quy hoạch Thành phố, tỉnh và điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011-2021 cũng cần được báo cáo rõ thêm.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị các địa phương đánh giá quá trình triển khai lập quy hoạch, việc phối hợp giữa các bộ ngành với các địa phương có kịp thời và đẩy đủ hay không; việc tích hợp quy hoạch ngành và quy hoạch thành phố gặp những khó khăn gì; việc lấy ý kiến người dân trong công tác quy hoạch có được triển khai hiệu quả hay không; công tác quy hoạch vùng được thực hiện như nào?

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua nghe báo cáo, Đoàn giám sát thấy rõ hơn những khó khăn vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, một số bất cập của hệ thống chính sách, pháp luật về quy hoạch cũng như một số bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật của cả 3 địa phương. Đây là căn cứ quan trọng để Đoàn giám sát hoàn thiện báo cáo giám sát trình Quốc hội. Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ nghiêm túc nghiên cứu các kiến nghị của 3 địa phương.

Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị hướng dẫn để bảo đảm quy hoạch đô thị theo Luật Quy hoạch đô thị phù hợp với Quy hoạch Thành phố theo Luật Quy hoạch; hướng dẫn, qui định tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ thống nhất; kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cấu trúc dữ liệu chuẩn cần tích hợp trong GIS ở các cấp độ quy hoạch; kiến nghị các cơ quan trung ương sửa đổi các văn bản về quy hoạch có qui định đặc thù (ngoại lệ) cho Thành phố.

Tỉnh Đồng Nai kiến nghị đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Tỉnh Bình Dương kiến nghị qui định cụ thể xác định cấp có thẩm quyền được lập, phê duyệt qui hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; hướng dẫn cụ thể về các qui hoạch được lập song song và phê duyệt trước qui hoạch tỉnh...

Đoàn giám sát cũng đề nghị các địa phương bổ sung đầy đủ các nội dung còn thiếu trong báo cáo. Cụ thể, tỉnh Bình Dương bổ sung báo cáo việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về qui hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; cả 3 địa phương rà soát và bổ sung báo cáo việc lập thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định của pháp luật xây dựng; việc phối hợp lập và thẩm định các quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng.

Các địa phương tập trung thời gian, nhân lực, trí tuệ để hoàn thành quy hoạch Thành phố (tỉnh) thời kỳ 2021-2030, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác theo quy định; khẩn trương điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng; rà soát, điều chỉnh quy hoạch nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thành phố Hồ Chí Minh tập trung hoàn thành quy hoạch Thành phố Thủ Đức, quy hoạch phân khu thuộc khu đô thị du lịch biển Cần Giờ, tạo động lực phát triển cho giai đoạn mới. Tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch đặc thù như quy hoạch cấp nước, thoát nước để phòng chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quy hoạch không gian ngầm đô thị; quy hoạch giao thông tĩnh, hệ thống giao thông vành đai, hướng tâm, đường sắt đô thị, kết nối các loại hình vận tải… Như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý là bảo đảm tiến độ nhưng cũng phải chú ý ưu tiên về chất lượng của các quy hoạch cũng như thực hiện quy hoạch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các địa phương phối hợp tốt với các Bộ, các cơ quan hữu quan để tham gia ý kiến cho các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, lập quy hoạch của Thành phố, tỉnh: "Đề nghị các địa phương đánh giá rõ cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân dẫn đến các bất cập, hạn chế trong hoạt động quy hoạch. Các báo cáo đã chỉ ra nhiều bất cập nhưng chưa nêu rõ trách nhiệm. Qua làm việc với các bộ, nghiên cứu các báo cáo của các địa phương cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch còn do bất cập về chính sách pháp luật.

Có nội dung chưa thống nhất giữa Luật quy hoạch và một số luật khác cũng như tại các quy định liên quan đến quy hoạch trong các văn bản pháp luật chuyên ngành. Do đó, đề nghị, các địa phương căn cứ ý kiến các thành viên giám sát và thực tiễn thực hiện, tiếp tục rà soát, báo cáo, đánh giá kỹ hơn, các bất cập của hệ thống chính sách pháp Luật quy hoạch, kiến nghị sửa đổi Luật quy hoạch, các luật liên quan, nếu có và các văn bản hướng dẫn hoạt động quy hoạch."

Các tỉnh, thành phố cần lưu ý các kiến nghị để thực hiện được việc tích hợp quy hoạch; các quy định liên quan đến lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; các quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch cho phù hợp thực tiễn; các quy định để bảo đảm vai trò quản lý của nhà nước khi bỏ các quy hoạch sản phẩm. Đặc biệt, các địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc công bố công khai quy hoạch được duyệt theo quy định và chú trọng việc lấy ý kiến chuyên gia và ý kiến của nhân dân./.