Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, hôm nay (17/5), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp xúc cử tri quận 4.
Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe đại biểu Trần Du lịch thay mặt tổ đại biểu báo cáo một số nội dung chính của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII sắp tới, các cử tri đã tập trung phản ánh nhiều ý kiến tới các đại biểu Quốc hội về các vấn đề đã và đang gây búc xúc trong xã hội. Đó là tình trạng bất cập trong thực hiện một số luật mới khi đi vào cuộc sống như Luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cũng như việc xây dựng các dự thảo luật…
Cử tri Nguyễn Văn Mót, phường 1 nêu ý kiến: "Vừa rồi Luật bảo hiểm buộc phải mua bảo hiểm cả hộ gặp bất cập dẫn đến người dân lách luật và nói gây khó cho người dân. Trước đây để quản lý giao thông, có quy định một người chỉ được đăng ký 1 xe máy đã phải bãi bỏ. Các cơ quan soạn thảo pháp luật đừng vì mục tiêu quản lý ngành mình một cách hoàn thiện mà quên đi quyền lợi người dân".
Các cử tri cũng cho rằng đấu tranh với nạn tham nhũng đạt được một số kết quả nhất định nhưng chưa đáp ứng mong muốn thực tế, vấn đề quy hoạch đô thị, giao thông, phát triển kinh tế không tham khảo ý kiến người dân dẫn đến gây bức xúc như chặt cây ở Hà Nội, lấp sông Đồng Nai, quy hoạch khu Đa Phước, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Tại buổi tiếp xúc các cử tri cũng đề cập tình trạng doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng và đưa hàng ngàn lao động đơn giản nước ngoài vào Việt Nam trong khi đó chúng ta hiện có rất nhiều lao động không có việc làm.
Đặc biệt các cử tri có mặt đã thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lên tiếng phản đối sự xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế của Trung Quốc khi bồi đắp nhiều đảo chìm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tạm thời cũng như úp mở việc thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông.
Cử tri Huỳnh Anh Tuấn, phường 4 cho rằng động thái trên đây là sự thách thức đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo đó, cử tri mong Quốc hội và Nhà nước có biện pháp quyết liệt hơn về mặt ngoại giao, đồng thời có những biện pháp bảo vệ ngư trường của Việt Nam.
Lắng nghe và tiếp thu phát biểu kiến nghị của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một lần nữa nhấn mạnh chủ trương nhất quán bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc và khẳng định trong tất cả các Luật biển, Luật Biên giới Quốc gia, chứng cứ lịch sử và pháp lý… Việt Nam luôn tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp các đảo chìm, ngăn chặn hoạt động của bà con ngư dân trên biển, chúng ta luôn phản đối những việc làm sai trái, yêu cầu tuân thủ Công ước Luật Biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chủ tịch nước khẳng định kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ lợi ích đất nước trên tinh thần luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Phải nói rằng ta rất hòa hiếu, ta muốn hòa bình, hữu nghị, ta muốn hợp tác cùng phát triển, tôn trọng lẫn nhau. Chính sách đó Việt Nam được lòng thế giới. Hai bên đã cam kết ở mức cao nhất, không thể biến đảo chìm thành đảo nổi nhân tạo mà đòi 12 hải lý, lại đòi 200 hải lý thì không ai chấp nhận được. Hòa hiếu, hợp tác, phát triển là chính sách nhất quán của Việt Nam nhưng phải tôn trọng lợi ích của nhau, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.
Chủ tịch nước cũng nêu rõ sự phi lý của Trung Quốc khi chiếm giữ 7 đảo của Việt Nam và đang bồi lấp rất nhanh, bất chấp luật pháp quốc tế nhằm đòi chủ quyền lãnh hải.
Chủ tịch nước nhấn mạnh Biển Đông còn là đường biển quốc tế, hơn 50% hàng hóa thế giới đi qua vùng biển này. Do đó, Việt Nam kiên quyết phản đối những hành động sai trái và cộng đồng quốc tế cũng ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước ta không gây hấn, xâm chiếm ai. Chúng ta bị áp bức, bị xâm lược mới vùng lên đấu tranh, gian khổ và hy sinh rất lớn. Cho nên chúng ta bình tĩnh là cần thiết, nắm chắc và dựa vào luật pháp quốc tế, cộng đồng quốc tế, đặc biệt là chính sách nhất quán là làm bạn với tất cả các nước vì hòa bình hợp tác, đôi bên cùng có lợi nên chúng ta có bạn bè khắp thế giới.
Chủ tịch nước hoan nghênh các cử tri tập trung nhiều ý kiến góp ý vào các dự thảo luật sẽ được xem xét thông qua và cho ý kiên tại kỳ họp thứ 9. Đây là những ý kiến thiết thực được chuẩn bị kỹ lưỡng. Những kiến nghị của cử tri về các vấn đề cụ thể, Chủ tịch nước khẳng định sẽ chuyển tới Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm xem xét để không phụ lòng tin tưởng của cử tri./.