Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Việt Nam và Bangladesh có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, dựa trên những điểm tương đồng về lịch sử và những giá trị mà hai bên chia sẻ về độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong lịch sử, hai nước chúng ta luôn thể hiện tình đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên công nhận nền độc lập của nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh ngay từ cuối năm 1971. Bangladesh cũng là một trong những nước châu Á đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Lãnh đạo và nhân dân hai nước luôn trân trọng, gìn giữ truyền thống quý báu này, đồng thời không ngừng nỗ lực để đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển. Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã thăm lẫn nhau và thường xuyên gặp gỡ tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam vui mừng đón những vị Lãnh đạo cao nhất của Bangladesh đến thăm, trong đó có Bà Thủ tướng Seikh Hasina vào năm 2012, Ngài Tổng thống Md. Abdul Hamid vào năm 2015 và Bà Chủ tịch Quốc hội Shirin Sharmin Chaudhury vào năm 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: KT |
Quan hệ hợp tác hai nước trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giáo dục - đào tạo thời gian qua đã có sự phát triển đáng khích lệ. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 900 triệu USD, tăng gần 50% so với năm 2016. Việt Nam và Bangladesh cũng chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và Liên hợp quốc.
Giao lưu nhân dân và văn hóa ngày càng được tăng cường. Tôi rất cảm động khi được biết, mới gần đây (tháng 6/2017), cuốn sách “Bác Hồ viết di chúc”đã được dịch ra tiếng Bengali, thể hiện tình cảm quý trọng của nhân dân Bangladesh đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Việt Nam là một hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội thành công. Xin Ngài Chủ tịch nước cho biết triển vọng và những lĩnh vực Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Bangladesh?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Bangladesh là một dân tộc có lịch sử phát triển lâu đời và giàu di sản văn hóa; lực lượng dân số trẻ và thị trường rất tiềm năng; là hình mẫu thành công trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng, công bằng xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Bangladesh đang hiện thực hoá mục tiêu gia nhập nhóm nước có mức thu nhập trung bình và hướng tới trở thành quốc gia số hóa, có nền khoa học - công nghệ phát triển tiên tiến. Các bạn có nhiều thành tựu mà Việt Nam có thể học tập như chương trình tín dụng nhỏ, chính sách giáo dục...
Việt Nam và Bangladesh có nhiều điểm tương đồng về điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội và nằm ở hai vị trí trọng yếu của Đông Nam Á, Nam Á - là điểm kết nối từ châu Á - Thái Bình Dương sang Nam Á - Ấn Độ Dương.
Về hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hai nước có thể nỗ lựcđưa kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều tiếp tục tăng trưởng; tạo thuận lợi cho các mặt hàng thế mạnh của mỗi bên; tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tăng cường tiếp cận, chia sẻ thông tin, kết nối giao thương; kết nối hàng không để khơi thông hơn nữa dòng đầu tư, thương mại, du lịch.
Việt Nam mong muốn thúc đẩy các hoạt động đầu tư sang Bangladesh, đặc biệt là trong các lĩnh vực hai bên có khả năng hợp tác, như viễn thông, công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, may mặc, dầu khí, sản xuất hàng tiêu dùng, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ.
Về hợp tác nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản, hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm bổ trợ cho nhau; xem xét hình thành các liên doanh, hiệp hội, chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng, sản xuất và bảo quản… để gia tăng giá trị sản phẩm xuất khẩu.
Về giáo dục - đào tạo, chúng tôi hoan nghênh Bangladesh tiếp tục cử công chức, sinh viên sang Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm về quản lý hành chính, phát triển kinh tế, nông nghiệp, thủy sản, quản lý tài nguyên và môi trường. Chúng tôi cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ giữa Học viện Hành chính Quốc gia Việt Nam và Cơ quan Quản lý Hành chính công Bangladesh trong việc đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho công chức Bangladesh tại Việt Nam.
Về hợp tác quốc phòng - an ninh, hai bên cần tăng cường tìm hiểu khả năng và nhu cầu hợp tác của nhau, trước mắt là các lĩnh vực hậu cần, quân y, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm khủng bố quốc tế…, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh ở khu vực và trên thế giới.
Chúng tôi mong muốn và tin tưởng các cơ quan chức năng của hai bên sẽ tận dụng các tiềm năng và lợi thế nêu trên để tìm kiếm các biện pháp phù hợp, đưa quan hệ song phương phát triển sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn nữa, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của Lãnh đạo và nhân dân hai nước./.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân thăm Ấn Độ, Bangladesh
Chủ tịch nước gửi điện mừng tới Tổng thống Bangladesh
Người Việt tại Bangladesh đón Tết đoàn viên