Chiều 19/2, tại phiên họp thứ 45, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước.

Hình ảnh Chủ tịch nước gần gụi với dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá nhiệm kỳ qua Chủ tịch nước thực hiện đầy đủ vai trò theo quy định của Hiến pháp; hình ảnh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thể hiện sự gương mẫu của người đứng đầu Nhà nước, giản dị, gần gụi, yêu nước; Bảo đảm giữ vững nguyên tắc hiến định trong bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, chế độ XHCN và ổn định chính trị.

Với trách nhiệm thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước chăm lo tăng cường tiềm lực quốc phòng; động viên lực lượng vũ trang thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, đập tan âm mưu “diễn biến hoà bình” và động viên lực lượng vũ trang, nhân dân.

Việc mở rộng đối ngoại có chọn lọc; có nhiều ý kiến kịp thời với Quốc hội, Chính phủ về chiến lược quốc phòng an ninh, trật tự  an toàn xã hội, xây dựng luật pháp...

“Hình ảnh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước chăm lo việc thực hiện chính sách an dân là sự động viên, quy tụ, phát huy truyền thống đoàn kết, hào khí Việt Nam”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

chu_tich_nuoc_bwwu.jpg
Với trách nhiệm thống lĩnh lực lượng vũ trang, Chủ tịch nước chăm lo tăng cường tiềm lực quốc phòng; động viên lực lượng vũ trang và toàn dân

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu bày tỏ ấn tượng về hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong nhiệm kỳ vừa qua: “Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước đóng góp rất lớn vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; vai trò của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức phát triển. Các chuyến đi của Chủ tịch nước rõ ràng tăng thêm sức mạnh kinh tế cũng như quốc phòng an ninh. Điều này khá rõ nét nên báo cáo cần nhấn mạnh”.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, vai trò của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước còn thể hiện trong việc động viên sức mạnh của hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân. Công tác kiểm tra, đôn đốc tại cơ quan Trung ương, địa phương, lực lượng vũ trang và dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa gây xúc động, thực chất, thể hiện tấm lòng lo cho nước, cho dân. Đây là vai trò, trọng trách lớn của người đứng đầu Nhà nước.

Về công tác động viên khen thưởng cũng được thực hiện tốt hơn trong nhiệm kỳ vừa qua với cách làm minh bạch, tiến bộ hơn. Các ý kiến của Chủ tịch nước liên quan đến vấn đề phong tướng để từ đó có điều chỉnh trong Luật là thuyết phục, được nhân dân ủng hộ.

“Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và những tuyên bố, hành động gây ấn tượng rất mạnh. Khi hai đồng chí lên tiếng thì các cấp trong hệ thống phải xem lại mình”, ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ.

Cần thể chế hoá quy trình Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng báo cáo cần có đánh giá tổng quát, ngắn gọn hơn để thấy rõ vai trò của Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp là người đứng đầu, thay mặt Nhà nước CHXHCN Việt Nam trong đối nội và đối ngoại; là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh, thống lĩnh lực lượng vũ trang và động viên, đoàn kết toàn dân.

Báo cáo cũng cần làm rõ thêm trách nhiệm của nguyên thủ quốc gia tác động đến chính sách, đường lối của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, hành pháp của Chính phủ và công tác tư pháp để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm.

Phiên họp 45 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Cơ bản đồng tình với báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất quan tâm đến chính sách dân tộc: “Hai lần anh Sang mời tôi sang để nghe về tình hình chính sách dân tộc. Có vấn đề anh điện ngay sang Chính phủ giải quyết hay có ý kiến ngay. Đây là vai trò nguyên thủ trong thực hiện chính sách dân tộc, đoàn kết dân tộc. Ngoài đi thăm, cổ động tốt rồi nhưng quan trọng báo cáo nêu ra các kiến nghị của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã được Quốc hội, Chính phủ xem xét, tổ chức thực hiện”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng cần thể chế hoá quy trình, thủ tục Chủ tịch nước triệu tập Chính phủ. Bởi có rất nhiều việc Chủ tịch nước thấy cần phải làm việc với Chính phủ nhưng hiện chưa có cơ sở pháp lý cụ thể. Ông Ksor Phước đề nghị cụ thể hoá quy định của Hiến pháp về chức năng nhiệm vụ của Chủ tịch nước, có nội dung luật hoá bắt buộc phải thực hiện như 6 tháng hay một năm Chủ tịch nước triệu tập các tướng lĩnh để nghe vấn đề quốc phòng, an ninh quốc gia.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị báo cáo cần làm rõ một số vấn đề như hiệu quả cải cách tư pháp; đề xuất ý kiến hoàn thiện thể chế; tổng kết công tác đặc xá... cũng như nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế./.