Tiếp tục chương trình công tác tại An Giang, sáng 18/1, tại thành phố Long Xuyên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Thành phố Long Xuyên. Đây là công trình hạ tầng giao thông đầu tiên của Bộ Giao thông vận tải được khởi công trong năm 2022.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên được chính Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2017, nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án Kết nối đồng bằng Mekong. Dự án có tổng vốn 2.100 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.
Dự án đi qua địa phận huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (Thành phố Cần Thơ) và thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), bao gồm việc xây dựng mới 15,3km chính tuyến và nâng cấp cải tạo khoảng 2 km Quốc lộ 80. Công trình theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h, 2 làn xe cơ giới, dự kiến hoàn thành vào trước cuối năm 2023.
Đây là công trình đáp ứng mong mỏi từ suốt 20 năm qua của người dân An Giang, nhất là khi hiện nay đoạn Quốc lộ 91 đi qua trung tâm thành phố Long Xuyên hiện nay đã quá tải.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng dự lễ khởi công và mong muốn, đây là dự án mở đầu năm 2022 để từ đó tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư hơn nữa cả về đường bộ, đường biển, đường sông tại An Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực 20 triệu dân, giàu tiêm năng phát triển. Nhấn mạnh, dự án hết sức có ý nghĩa, Chủ tịch mong muốn chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải, tỉnh An Giang, các nhà thầu và đơn vị liên quan thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng tiến độ để có thể hoàn thành tuyến đường vào năm 2023.
Khẳng định, Đảng Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển bền vững của An Giang và đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch nước đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh An Giang.
Tiếp đó trong chiều nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc nằm trên địa bàn tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là nhà máy được đánh giá có quy mô lớn nhất châu Á với tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày.
Nhà máy do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đầu tư tại huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), nơi được bao quanh bởi 4 huyện vựa lúa là Thoại Sơn, Giang Thành của tỉnh An Giang, Hòn Đất, Kiên Lương của tỉnh Kiên Giang. Công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày. Lãnh đạo tỉnh An Giang kỳ vọng dự án sẽ giải quyết một lượng lớn nguyên liệu lúa của tỉnh mỗi năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với một nền nông nghiệp như nước ta, việc khuyến khích công nghiệp chế biến là rất cần thiết để tạo giá trị gia tăng cao, giúp nâng cao đời sống của người nông dân. Chủ tịch nước cho biết, năm 2021, dù dịch bệnh, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn rất thành công, tăng trưởng 5,5%. Xuất khẩu đạt gần 49 tỉ USD, trong đó có sản phẩm gạo.
Tuy vậy, vấn đề nâng cao giá trị sản phẩm nông sản vẫn là vấn đề đặt ra. Do đó việc đầu tư nhà máy chế biến gạo hiện đại là hết sức cần thiết, tạo giá trị gia tăng mới cho ngành lúa gạo Việt Nam.
Chúc mừng Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long khánh thành nhà máy gạo Hạnh Phúc, Chủ tịch nước đề nghị Công ty không chỉ quan tâm đến cạnh tranh sản phẩm trên thị trường xuất khẩu mà cần thông qua hệ thống dự trữ của mình, phối hợp tốt với người nông dân, không được ép giá lúa của nông dân.
Chủ tịch đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh An Giang tiếp tục hình thành cánh đầu mẫu lớn, thúc đẩy các chuỗi liên kết trong đó có người nông dân, để người nông dân làm chủ trên mảnh đất của mình. Cùng với đó là thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động, giá trị sản xuất, giá trị gia tăng và thu nhập cho nông dân./.