Báo cáo của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch thành phố thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng; do đó, cần phải thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu thực tế, có tính khả thi cao và phản ánh xu hướng phát triển, tầm nhìn, khát vọng vươn lên của thành phố. Vì vậy, thành phố đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố là cơ quan đầu mối, soạn thảo xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố, đến nay đã xây dựng hoàn chỉnh, bài bản và có chất lượng và sẽ sớm trình thẩm định và trình phê duyệt trong đầu quý I năm 2022.
Đối với công tác lập quy hoạch, bao gồm cả điều chỉnh quy hoạch, lập quy chế và thiết kế đô thị, Thành phố đã có nhiều biện pháp để cải thiện chất lượng công việc theo các nhóm mục tiêu: tăng chất lượng công tác tư vấn, tăng tính khả thi cho đồ án quy hoạch, nắm sát tình hình thực tiễn và nhu cầu của địa phương, của khu vực để xem xét quy hoạch; nâng cao chất lượng điều chỉnh các quy hoạch cần thiết phải điều chỉnh, củng cố. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch đô thị; tiến độ công tác lập và điều chỉnh quy hoạch còn chưa theo kịp với yêu cầu phát triển; chất lượng và tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; việc triển khai thực hiện các dự án đô thị chưa theo lộ trình và chưa đáp ứng yêu cầu;…
Tại hội nghị, các thành viên đoàn giám sát và các Đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với kết quả, những tồn tại, hạn chế, kiến nghị và các giải pháp trong báo cáo, tuy nhiên cũng yêu cầu làm rõ một số vấn đề như thiết chế văn hóa, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng… và kiến nghị có quy định đặc thù cho quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh, tích hợp quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn và quy hoạch sử dụng đất để đồng bộ thống nhất, làm cơ sở lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm….
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công tác quy hoạch rất quan trọng. Bởi, quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển, những ưu tiên phát triển, trên cơ sở tối đa hóa các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, lâu dài. Vì vậy, đối với một đại đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh thì công tác quy hoạch lại càng có vai trò quan trọng. Do đó, quy hoạch phải đi trước một bước, phải thể hiện được tầm nhìn chiến lược, làm cơ sở cho triển khai kế hoạch, huy động nguồn lực của cả nhà nước và tư nhân, xác định các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.
Chủ tịch nước đồng tình với kết quả đạt được và chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc, những hạn chế bất cập trong công tác quy hoạch mà Thành phố đang gặp phải. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng thẳng thắn chỉ rõ vấn đề quy hoạch hiện nay vẫn là điểm yếu, điểm nghẽn của Thành phố. Chủ tịch nước cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh đang tụt lại khá xa so với các đô thị lớn trong khu vực về phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh và chất lượng sinh sống. Tinh thần tiên phong và vị thế dẫn đầu của Thành phố đối với cả nước đang trên đà suy giảm. Theo Chủ tịch nước, thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
“Tôi đã từng phát biểu, Thành phố Hồ Chí Minh phải xây dựng là đô thị thông minh, đô thị phát triển, một nền kinh tế đổi mới sáng tạo, nơi hội tụ văn hóa và nhân tài, một xã hội đề cao các giá trị nhân văn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa phương Nam của người Việt. TP.HCM cần đi tiên phong trở thành Trung tâm khởi nghiệp, Trung tâm sáng tạo của cả nước, trung tâm giáo dục quốc tế, trung tâm y tế quốc tế,... tất cả những câu chuyện này phải bắt đầu từ chiến lược và quy hoạch. Thành phố Hồ Chí Minh muốn phân công với các địa phương trong vùng để chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến với nguồn lao động dồi dào đang sẵn có ở các địa phương thì phải bắt đầu bằng công tác quy hoạch”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Thành phố cần bám sát những mục tiêu, định hướng, lợi thế để hoàn thiện quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch để phục vụ tốt nhất yêu cầu của phát triển trong trung và dài hạn. Đồng thời, cần sử dụng quy hoạch là công cụ phát triển thành phố một cách trật tự, lộ trình, bước đi chắc chắn và cụ thể. Chủ tịch nước cũng đề nghị thành phố, từ đại dịch Covid vừa qua cần rút ra được điều gì từ công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư, khu công nghiệp, khu nhà ở, các các thiết chế văn hóa đi kèm,... từ đó, cần có những điều chỉnh gì để đối phó với những vấn đề tương tự trong tương lai.
“Tôi đề nghị công tác quy hoạch liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều người, thành phố cần chỉ đạo các sở ngành, phối hợp chặt chẽ với các quận huyện rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch, đáp ứng những mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới, đặc biệt là những hạ tầng thiết yếu, hạ tầng chiến lược, kể cả quy hoạch chiều cao, quy hoạch không gian ngầm... Kiên quyết thu hồi những quy hoạch treo, những dự án treo đã quá thời hạn quy định mà không triển khai”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Chủ tịch nước đánh giá cao sự chủ động, sát sao nhiệm vụ của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trong triển khai hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Từ đó, có những đề xuất, kiến nghị hoặc yêu cầu cụ thể đối với những cấp có thẩm quyền liên quan đến vấn đề quy hoạch. Đồng thời, yêu cầu dẹp bỏ những quy hoạch treo, thu hồi những dự án để quá lâu không triển khai./.