Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 11/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đại biểu Quốc hội khóa XIII và các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1, TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3.
Tại các buổi tiếp xúc, thay mặt tổ Đại biểu Quốc hội, đại biểu Trần Du Lịch đã báo cáo với cử tri một số nội dung chính của kỳ họp thứ 6 Quốc Hội khóa 13 sắp tới. Các cử tri đều bày tỏ hoan nghênh kỳ họp quốc thứ 6 sẽ thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và xem xét thông qua một số luật quan trọng như Luật Đất đai sửa đổi, luật tiếp công dân... Bên cạnh đó, các cử tri cũng bày tỏ sự chưa hài lòng với nhiều vấn đề còn tồn tại mong được chuyển đến các đại biểu Quốc hội.
Cử tri Lê Văn Minh, phường Cầu Ông Lãnh cho rằng, kinh tế xã hội đất nước có bước chuyển nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là trong việc thu ngân sách của các địa phương hầu như không đạt kế hoạch, đòi hỏi phải có giải pháp cụ thể hơn nữa thúc đẩy phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, tình trạng tham nhũng ngày càng gia tăng, nhiều vụ án tham nhũng giải quyết không dứt điểm dẫn đến tình hình thoái hóa biến chất, lãng phí ngày càng nghiêm trọng tiếp tục là nội dung được nhiều cử tri quận 1 và quận 3 bày tỏ.
Vấn đề tồn tại trong tiếp công dân cũng được nhiều đại biểu nêu lên đề nghị Dự Luật tiếp công dân cần phải sát thực tế. Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt ở phường Cô Giang, thì cho rằng giá trị đạo đức đã và đang bị mai một từ gia đình ra xã hội. Điều này có nguyên nhân từ giáo dục, do đó phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng và phương pháp giáo dục cho thế hệ trẻ.
Ngoài ra, các lĩnh vực như thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, sửa đổi Hiến pháp 1992, chính sách đối với người có công, y tế, xây dựng chính quyền đô thị, vi phạm về gây ô nhiễm môi trường... cũng được nhiều cử tri tập trung phản ánh.
Cử tri trình bày ý kiến với đoàn đại biểu Quốc hội |
Phát biểu tiếp thu ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những ý kiến tâm huyết và đầy trách nhiệm của cử tri. Giải đáp băn khoăn của cử tri về xây dựng chính quyền đô thị, Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước đã có nghiên cứu xem xét, nhưng về mặt luật pháp cần phải có thời gian, trước hết phải thông qua Hiến pháp sửa đổi làm cơ sở để ban hành các luật và hướng dẫn để triển khai trong thời gian tới.
Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và phòng chống tham nhũng, Chủ tịch nước hoan nghênh TP HCM đã xử lý nhanh, nghiêm khắc đối với vụ việc tại các công ty công ích tạo niềm tin cho cử tri. Đây cũng là kinh nghiệm cho các địa phương và cả trung ương.
“Luật đã ban hành rất nhiều không thiếu, nếu cần sẽ sửa đổi bổ sung, cái chính là thiếu hành động cần sự chung tay của cả cộng đồng vào việc phát hiện đấu tranh với tham nhũng”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo, Chủ tịch nước cho rằng nguyên tắc xử lý phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố nói riêng cũng như cả nước nói chung đều sẵn sàng tiếp nhận phản ánh, khiếu nại của người dân và giám sát đối với việc giải quyết của các cơ quan thẩm quyền.
Đề cập Quốc hội cần phải giám sát giáo dục, Chủ tịch nước khẳng định đây là vấn đề rất lớn. Bên cạnh những thành tựu thì cũng bộc lộ những nhược điểm, chính vì thế Nghị quyết về Đổi mới căn bản nền giáo dục vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 8 đã thể hiện sự quyết tâm Đảng. Từ chủ trương này sắp tới sẽ có giải pháp tiếp theo để nâng cao chất lượng của nền giáo dục nước nhà.
Trả lời câu hỏi về tác động của hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam nhất là tham gia WTO và TPP, Chủ tịch nước khẳng định chủ trương nhất quán là hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới, chỉ có mở cửa mới có thể phát triển.
Về phục hồi phát triển kinh tế chậm, Chủ tịch nước cho rằng, trong hơn 2 năm qua tình hình rất khó nên từ mục tiêu tăng trưởng nhanh đã chuyển sang tăng trưởng bền vững, với các giải pháp đưa ra chúng ta đã đạt được một số kết quả trong đó đã kìm chế được lạm phát.
Tuy nhiên, xuất hiện mặt trái là nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, sản xuất đình đốn, hàng tồn kho nhiều.. Đây chính là thách thức cần phải giải quyết trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm./.