Hôm nay (28/9), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại biểu Quốc hội và các thành viên đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đã thông báo với cử tri về những nội dung mà Quốc hội sẽ bàn thảo, quyết định tại kỳ họp thứ 6, trong đó có những nội dung rất quan trọng như thông qua Hiến pháp sửa đổi; Luật Đất đai sửa đổi; đánh giá về tình hình kinh tế- xã hội đất nước trong năm 2013 và quyết định các nhiệm vụ, chỉ tiêu kinh tế-xã hội, phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2014…

tong%20bi%20thu%201%20copy.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lắng nghe ý kiến của cử tri

Cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến về các vấn đề như dân vận, tôn giáo, đào tạo việc làm, sử dụng năng lượng sạch, chính quyền cơ sở, thanh tra, an toàn thực phẩm, điều hành giá cả.

Cử tri Bùi Quang Liết ở phường Bưởi, quận Tây Hồ cho rằng cần phải tiếp tục xây dựng pháp luật một cách đồng bộ, sát thực tế, khả thi.

Cử tri còn bày tỏ sự quan tâm tới tình hình ở biển Đông, việc Việt Nam hội nhập quốc tế… Vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí cũng được nhiều cử tri nêu lên với những băn khoăn, lo lắng.

Cử tri phát biểu tại buổi tiếp xúc

Cử tri Ngô Hồng Chiêu ở phường Bưởi, quận Tây Hồ và cử tri Nông Quang Lộc, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm cho rằng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm nhiều. Lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực như lãng phí tài nguyên, lãng phí lao động, lãng phí chất xám. Nước ta vẫn nghèo nhưng lại xài sang.

Cử tri Ngô Hồng Chiêu đề nghị: tập thể, cá nhân nào lãng phí phải bị xử lý nghiêm. Đồng thời biểu dương khen thưởng những cá nhân thực hiện tốt tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả. Đối với việc phòng chống tham nhũng, cử tri Dương Văn Tiện, phường Nhật Tân đề nghị tăng cường biện pháp giáo dục, quản lý cán bộ; có cơ chế, chế độ, chính sách để không thể tham nhũng nữa.

TBT Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu cử tri quận Tây Hồ

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của cử tri hai quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ gửi tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp chính quyền của Hà Nội.

Trong số này có rất nhiều ý kiến quý báu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao với sự phát triển của đất nước, với thủ đô. Tổng Bí thư cho biết một trong những nội dung rất đáng chú ý tại kỳ họp thứ 6 sắp tới được cử tri cả nước và Hà Nội quan tâm là việc thông qua Hiến pháp sửa đổi.

Đây là công việc vô cùng hệ trọng. Mỗi một lần xây dựng Hiến pháp là một lần phát huy quyền dân chủ của nhân dân, phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để có một bản Hiến pháp xứng tầm. Chưa bao giờ trong lịch sử nước ta có một cuộc động viên tinh thần làm chủ, ý thức trách nhiệm và tâm huyết của các tầng lớp nhân dân  lớn đến như vậy trong việc xây dựng Hiến pháp.

Hiến pháp là đạo luật gốc, là văn bản chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng chi phối các hoạt động của đời sống xã hội, chính trị. Hiến pháp là thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng để toàn dân thực hiện nên nó vô cùng quan trọng. Tuyệt đại đa số ý kiến đồng tình, thống nhất cao với những phương án, đặc biệt là những vấn đề cơ bản, mấu chốt. Còn một số ý kiến khác nhau. Sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận tiếp để thông qua.

TBT nói chuyện với cử tri quận Hoàn Kiếm

Trao đổi với cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá đây là một bước tiến quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử và cũng là thực hiện ghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi là để thăm dò tín nhiệm, có tác dụng nhắc nhở, cảnh báo, răn đe. Dư luận cử tri và nhân dân đều đồng tình và cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi có tác dụng tốt, bước đầu như vậy là được. Quốc hội sẽ tiếp tục lắng nghe những góp ý của cán bộ, đảng viên và nhân dân để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra phương án tốt nhất.

Đối với tình hình phát triển kinh tế- xã hội đất nước, Tổng Bí thư cho biết: Chính phủ đang chuẩn bị báo cáo Trung ương và Quốc hội tình hình kinh tế- xã hội năm 2013, dự kiến năm 2014 và đồng thời nhìn lại gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về kinh tế xã hội. Đây là vấn đề rất quan trọng vì kinh tế là trung tâm.

Hiện nay, có nhiều cách đánh giá với tình hình kinh tế - xã hội tùy góc nhìn, quan điểm và phương pháp đánh giá. Nhưng theo quan điểm của Tổng Bí thư khi đánh giá phải căn cứ vào thực trạng, nhìn thẳng vào sự thật, công bằng, khách quan, nhìn toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chứ không thể áp đặt ý chủ quan, một chiều.

Trong bối cảnh vô vàn khó khăn do tác động của tình hình trong nước và thế giới từ sau Đại hội 11 đến nay, chúng ta ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung vào 3 khâu đột phá. Nhờ vậy, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, dự kiến năm nay đạt khoảng 5,4%;  an sinh xã hội được đảm bảo, số hộ nghèo còn khoảng 10%. Lạm phát được kiềm chế, năm nay dự kiến giữ ở khoảng 7%. An ninh quốc phòng được giữ vững. Các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Vị thế quốc tế của Việt Nam chưa bao giờ cao như hiện nay. Những khó khăn của nền kinh tế hiện nay chỉ là tạm thời.

Chia sẻ với những quan tâm của cử tri Hà Nội về tình hình tại biển Đông, về việc hội nhập toàn diện và sâu rộng với quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh.  Trong quá trình ấy, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đặt lợi ích của dân tộc, lợi ích của nhân dân lên cao nhất.

Nêu những thành tựu của đất nước, Tổng Bí thư cho rằng đây là cơ sở để cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi, tin tưởng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.