Cùng dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nữ bộ trưởng Bộ Ngoại giao đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam và 47 đại biểu đại diện cho 2000 cán bộ ngoại giao đã nghỉ hưu và hơn 2400 cán bộ đang công tác trong ngành ngoại giao.

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và các đại biểu bày tỏ cảm ơn Chủ tịch nước và Đảng, Nhà nước đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với ngành ngoại giao Việt Nam. Những cán bộ ngoại giao như những chiến sĩ kể cả trong thời chiến và thời bình đấu tranh trên mặt trận không tiếng súng nhưng đầy cam go. 

ctn1_vmoj.jpg
Chủ tịch nước và các cán bộ thế hệ ngoại giao. (Ảnh: Hoàng Dũng).

70 năm đã qua, ngành ngoại giao luôn là người tiên phong, đột phá trong phát huy sức mạnh dân tộc cùng sức mạnh thời đại, tạo nhiều bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đưa nước ta giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng bảo vệ Tổ quốc.

Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 nước trên thế giới. Quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư không ngừng phát triển nhanh chóng với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng tham gia ngày càng sâu rộng và chủ động vào các tiến trình khu vực và các công việc quốc tế…

Các đại biểu cũng bày tỏ trong giai đoạn hiện nay, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh thuận lợi thì thách thức cũng lớn, nhiệm vụ đối ngoại hết sức nặng nề, đòi hỏi những người làm công tác ngoại giao phải có bản lĩnh, sắc xảo, nhạy bén…đồng thời phát huy truyền thống của ngoại giao Việt Nam từ Hiệp định Geneve, Hiệp định Paris đến thành công của thời kỳ đổi mới…để vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

Chủ tịch nước chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu. (Ảnh: Hoàng Dũng).

Ôn lại lịch sử 70 năm ngành ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Bộ Ngoại giao có vinh dự và may mắn mà không Bộ ngành nào khác có được. Đó là ngay từ những ngày đầu thành lập Ngành đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đích thân chỉ đạo, dìu dắt trên cương vị Bộ trưởng. Lớp cán bộ ngoại giao đầu tiên của nước Việt Nam mới đã được Bác Hồ trực tiếp rèn luyện, dìu dắt, trong đó nhiều đồng chí sau này đã làm nên sự nghiệp ngoại giao lẫy lừng, giữ những cương vị lãnh đạo chủ chốt.

Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại, Ngoại giao Việt Nam đã lập nên những thành công hiển hách, góp phần xứng đáng vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Chủ tịch nước nói: “Từ Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Tạm ước 14/9/1946 đến Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973, ngoại giao đã sát cánh cùng các mặt trận chính trị, quân sự giành thắng lợi từng bước, tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc đấu tranh lâu dài, giành độc lập tự do, thống nhất tổ quốc.

Trong giai đoạn đất nước ta gặp nhiều khó khăn, bị bao vây cấm vận, ngoại giao là lực lượng đi đầu trong việc vận động bạn bè thế giới hiểu rõ về chính nghĩa của ta, phá thế bao vây cô lập, đưa Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tiến hành 30 năm qua đã giúp Ngoại giao Việt Nam thực sự cất cánh.

Ngày nay, cán bộ Ngoại giao lại là những chiến sĩ đi đầu trên mặt trận không tiếng súng góp phần bảo vệ từ xa thành quả cách mạng, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy. Các đồng chí đang làm rất tốt việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong tình hình mới, góp phần không ngừng nâng cao thế và lực của đất nước”.

Chủ tịch nước hỏi thăm các đại biểu. (Ảnh: Hoàng Dũng).

Bước vào giai đoạn phát triển mới, Chủ tịch nước cho rằng, tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Là tai mắt, là chiếc ăng-ten của Đảng và Nhà nước, Ngoại giao có nhiệm vụ định vị Việt Nam một cách có lợi nhất trong cục diện khu vực và quốc tế, bảo vệ vững chắc các lợi ích an ninh quốc gia, công cuộc xây dựng và vị thế của đất nước.

Để làm tròn sứ mệnh cao cả đó, việc xây dựng, đào tạo và rèn luyện đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, tinh thông về nghiệp vụ và ngoại ngữ, vững vàng về bản lĩnh chính trị có ý nghĩa sống còn. Đây không chỉ là trách nhiệm của các đồng chí đang công tác, mà cũng là nghĩa vụ của các thế hệ cán bộ ngoại giao lão thành và các đồng chí đã nghỉ hưu.

Chủ tịch nước tin tưởng rằng với truyền thống 70 năm qua, các thế hệ cán bộ làm công tác ngoại giao sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.