“Các thành viên Ban Chỉ đạo cần đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp”. Đây là đề nghị của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đối với các thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất thảo luận cho ý kiến về Quy chế làm việc và nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp của Ban Chỉ đạo giai đoạn 2016-2021 được tổ chức sáng nay (17/9), tại Hà Nội.

vov_chu_tich_nuoc_vogd.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ đạo tại Phiên họp thứ nhất  Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến về các nội dung cụ thể vào dự thảo Quy chế làm việc và Những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016 - 2020. Về cơ bản, các thành viên đều đồng tình với dự thảo do Văn phòng Ban Chỉ đạo chuẩn bị. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung một số nội dung cụ thể như chế độ thông tin, báo cáo, phân công nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên, định kỳ phiên họp, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với Ban Chỉ đạo và những Đề án trình Ban Chỉ đạo xem xét, cho ý kiến trong nhiệm kỳ.

Kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao các thành viên Ban Chỉ đạo đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, góp phần nâng cao chất lượng của các văn bản được đưa ra thảo luận. Để triển khai thực hiện tốt Quy chế làm việc và những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, nguyên tắc làm việc của Ban Chỉ đạo.

Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo cần tham dự đầy đủ các phiên họp Ban Chỉ đạo, đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc thảo luận, quyết định hoặc cho ý kiến về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Chỉ đạo. Đồng thời, tích cực chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị các đề án, báo cáo trình Ban Chỉ đạo và việc triển khai tổ chức thực hiện tại cơ quan, tổ chức được phân công phụ trách; kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc những vấn đề mới phát sinh.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị: “Để làm tốt công tác tham mưu của Ban Chỉ đạo thì trong việc thực hiện quy chế các đồng chí cần chủ động đề xuất, kiến nghị với Ban Chỉ đạo và cơ quan có thẩm quyền xem xét, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định chủ trương, định hướng về cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách tư pháp trong đó có cả việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác cải cách tư pháp. Ý kiến của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trong nhiệm kỳ vừa qua là rất quan trọng vì thế phải đề cao trách nhiệm góp phần vào việc kiến nghị, đề xuất những chủ trương, những định hướng lớn về công tác này một cách có hiệu quả nhất”.

Về việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp, Chủ tịch nước cho rằng, căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp do Ban Chỉ đạo đã thông qua, các thành viên Ban Chỉ đạo cần khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện trong từng lĩnh vực cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức; định kỳ 6 tháng, hằng năm có sơ kết, tổng kết và đề ra các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong các năm tiếp theo.

Chủ tịch nước yêu cầu, trước mắt, cần xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện từ nay đến hết năm 2017. Về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng tư pháp, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Chỉ đạo tích cực chỉ đạo việc rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các Bộ luật, luật về tố tụng tư pháp mới được Quốc hội thông qua.

Về hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu Ban Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy các cơ quan được giao thực hiện các hoạt động tư pháp; phân định rành mạch thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp; thực hiện tốt sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu: “Về xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp: quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề đối với từng chức danh tư pháp; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc đổi mới chính sách tiền lương, khen thưởng và các chế độ đãi ngộ phù hợp với lao động đặc thù của từng lĩnh vực hoạt động tư pháp. Khẩn trương triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp đã được Ban Chỉ đạo cho ý kiến; cuối năm 2017, tiến hành sơ kết, đề ra phương hướng, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong những năm tiếp theo.”

Về cơ chế giám sát, hợp tác quốc tế, bảo đảm cơ sở vật chất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo bám sát những nhiệm vụ trọng tâm đã được Ban Chi đạo thông qua tại phiên họp này, chỉ đạo việc cụ thể hóa để triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức. Đồng thời yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của các đồng chí thành viên và tổ chức nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện văn bản trình Trưởng Ban Chỉ đạo duyệt phát hành../.