Ngày 17/12, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 8 (2014 – 2019) tổng kết công tác nhiệm kỳ 7 và đề ra phương hướng công tác nhiệm kỳ mới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và chỉ đạo Đại hội.
Tuy nhiên, Đại hội cũng chỉ ra nhiều nhiều khó khăn, hạn chế trong hoạt động của Hội như thiếu kinh phí cho công tác quảng bá nghệ thuật, công tác lý luận phê bình sân khấu chưa đáp ứng được yêu cầu và mong đợi của khán giả, tính chuyên nghiệp chưa cao, điều kiện tiếp xúc với những vở mới, dự các kỳ hội diễn, liên hoan… bị hạn chế.
Vì vậy, trước những hiện tượng sân khấu như kịch kinh dị, kịch ma, kịch có yếu tố “sex” hoặc vở diễn yếu kém về tư tưởng chưa được tổ chức phản biện, tranh luận, bình luận có tính học thuật nhằm định hướng thẩm mỹ cho công chúng.
Tham luận tại đại hội, Đạo diễn, Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc đề xuất: “Để phát triển lực lượng và nâng cao chất lượng lý luận phê bình, đề nghị Ban Tuyên giáo trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan quan tâm và tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động lý luận phê bình; Tổ chức những khóa học về chuyên môn lý luận phê bình và đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng cho những người làm công tác lý luận phê bình nói chung và lý luận phê bình sân khấu nói riêng; Tổ chức cho các hội viên được đi thực tế ở một số nơi điển hình để nâng cao nhận thức cho họ”.
Chủ tịch nước đề nghị: “Sau Đại hội này, các cấp Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có kế hoạch và phương pháp cụ thể, thiết thực nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các nghệ sĩ sân khấu vì sự nghiệp văn hóa của dân tộc. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành chức năng, các cơ sở đào tạo… để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Cần quan tâm nắm bắt tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ, đề xuất các chính sách phù hợp, tạo điều kiện để các nghệ sĩ tập trung công sức, trí tuệ cho lao động sáng tạo”.
Về phương hướng nhiệm kỳ 8, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam xác định tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm tập hợp, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ hoạt động tích cực, hiệu quả; quan tâm đến các loại hình nghệ thuật sân khấu có nguy cơ thất truyền; tăng cường quảng bá các hoạt động sân khấu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh việc tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân có công phát triển nghệ thuật sân khấu, việc phát triển tài năng trẻ cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành sân khấu trong thời gian tới./.