"Vì một Việt Nam tất thắng" là cuộc thi vẽ tranh và sáng tác văn học diễn ra từ ngày 8/8/2021, dành cho các em nhỏ trên cả nước từng mắc hoặc đang điều trị ung thư, bệnh hiểm nghèo, chất độc da cam, tàn tật, tự kỷ, trẻ mồ côi. Cuộc thi do chương trình Mặt trời Hy Vọng, Quỹ Hy vọng cùng báo VnExpress, Trường Đại học Ngoại thương đồng tổ chức.
Mỗi nét vẽ, câu thơ, lời văn trong 2.300 tác phẩm dự thi là một món quà tinh thần mà các em muốn gửi đến cộng đồng, nhất là lực lượng tuyến đầu chống dịch, cổ vũ tinh thần chung sức, đồng lòng của cả nước vì một “Việt Nam tất thắng” trước Covid-19. Các tác phẩm cũng phản ánh tinh thần lạc quan và nghị lực vượt lên số phận của các em. Nhiều em vẽ tranh khi vừa xong đợt hóa trị, cơ thể vẫn còn đau nhức. Có em là trẻ tự kỷ, chỉ biết làm bạn với những cây bút màu.
Trong các em có hoàn cảnh đặc biệt thì Nguyễn Thị Hoàng Oanh, 16 tuổi, là trẻ mồ côi, tàn tật, ở TPHCM. Em nhớ lại năm 2019 đã vô cùng bất ngờ, xúc động và tự hào khi nhận được thư động viên từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó là Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là trong thư, Chủ tịch nước đã rất thấu hiểu những khó khăn của em nhiều năm trước đó vì phải đi bán vé số kiếm sống cùng bà và động viên em vươn lên vượt khó, học tập tốt để nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ.
Hai năm qua, những lời dặn dò của Chủ tịch nước đã truyền cảm hứng để Hoàng Oanh vượt mọi khó khăn để học tập tốt. Em bày tỏ vui mừng khi ước muốn được gặp Chủ tịch nước trở thành hiện thực và hứa luôn nỗ lực hết sức để không phụ niềm tin yêu của Chủ tịch nước, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
Còn em Nguyễn Duy 14 tuổi đến từ Nam Định, mắc bệnh u não, vẫn lạc quan ước mơ trở thành đầu bếp vì muốn nấu ăn ngon cho mọi người, giới thiệu những món ăn ngon của Việt Nam cho bạn bè quốc tế.
Tại buổi gặp mặt, cô giáo Kim Phấn tham gia dạy học tại bệnh viện Ung bướu TP.HCM chia sẻ, cô đã 15 năm gắn bó với bệnh nhi ung thư, học sinh hầu hết không còn nữa, nhưng ký ức của các em vẫn còn. Cuộc đời ngắn nhưng các em xứng đáng được hưởng hạnh phúc như biết con chữ. Dù sức khỏe giảm sút, nhưng cô vẫn luôn giữ lửa truyền cho các bạn trẻ để cùng cô đồng hành, hướng đến những điều tốt đẹp nhất cho các trẻ em.
Lắng nghe những câu chuyện cảm động của các em tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm động trước những tình cảm chân thành, niềm lạc quan yêu đời và nghị lực phi thường vượt lên hoàn cảnh. Mặc dù bên trong cơ thể mang mầm bệnh và đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng bằng tâm hồn nhạy cảm, tài năng, sự lạc quan, các em đã sáng tác được nhiều tác phẩm được cổ vũ cuộc chiến phòng chống dịch bệnh. Điều đó thể hiện tinh thần tuổi nhỏ, trí cao của các em, là năng lượng tích cực lan tỏa trong cuộc sống, xã hội.
Chủ tịch nước cũng bày tỏ trân trọng các cô giáo, bảo mẫu, nhà từ thiện có tấm lòng nhân hậu, bao dung, tận tụy hỗ trợ các em vượt qua khó khăn, mất mát, bệnh tật, hoàn cảnh éo le để vươn lên như cô giáo Kim Phấn; cô giáo Đông Hà kèm cặp, dạy dỗ em Nguyễn Thị Hoàng Oanh học tập tốt; cô gái Y Byen ở Gia Lai nhận nuôi 2 cậu con trai "nhặt" về từ khi các bé là trẻ sơ sinh và khi cô mới 16 tuổi, hai con giờ càng lớn càng chăm ngoan, học giỏi.
Chủ tịch nước cũng hoan nghênh, đánh giá cao Ban tổ chức, Quỹ Hy vọng, các nhà báo đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi giàu tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, khích lệ những tấm lòng vàng với trẻ em yếu thế trong xã hội. Hoạt động cũng sự cổ vũ ý chí, nghị lực phi thường của các em để có bước tiến mạnh mẽ trong cuộc sống, qua đó thể hiện tinh thần Việt Nam, ý chí mãnh liệt của một dân tộc anh hùng, ở mọi lứa tuổi, làm cho xã hội tốt đẹp hơn. Chủ tịch nước nhấn mạnh, đó không chỉ là bài học cho chính lứa tuổi các em thiếu nhi, thiếu niên mà còn là bài học chung cho người lớn, cần có ý chí vươn lên mạnh mẽ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ý chí, nghị lực mãnh liệt ấy phải tiếp tục được vun đắp.
Từ triển lãm các tác phẩm tranh và văn học, Chủ tịch nước cho rằng, điều đó góp phần làm cho mọi người hiểu hơn và có thêm nhiều hành động thiết thực chung tay bảo vệ quyền trẻ em, thực hiện tốt Luật Trẻ em, nhất là trẻ em yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng, toàn xã hội, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chăm lo cho thế hệ trẻ nhất là trẻ em yếu thế, giúp các em nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Ngành giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần có thêm nhiều chương trình, mô hình quan tâm hỗ trợ để kịp thời cổ vũ, động viên, hun đúc, bồi đắp ý chí, nghị lực cho các em; ngành ngoại giao cần lan tỏa tới bạn bè quốc tế tinh thần "Vì một Việt Nam tất thắng" của thiếu nhi Việt Nam. Bởi đó cũng chính là tinh thần lạc quan và quyết tâm vượt khó của người dân Việt Nam nỗ lực đạt được nhiều thành quả kinh tế- xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Ngành y tế dành sự quan tâm đặc biệt để các em có được chăm sóc y tế tốt nhất cả về tâm lý và thể chất, áp dụng phác đồ điều trị, kỹ thuật tiên tiến của thế giới để trị bệnh; tìm cách tiếp cận, có nhiều vaccine để tiêm cho trẻ em.
Trong lúc đại dịch còn diễn biến phức tạp, mọi người, mọi gia đình, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân cần dành sự quan tâm đặc biệt đối với thiếu nhi yếu thế, không để các em mắc COVID-19 và đói cơm, lạt muối./.