Tiếp tục chương trình làm việc chiều 4/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo lường và Luật Tài nguyên nước sửa đổi.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đo lường. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, dự thảo Luật Đo lường đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua tại kỳ tới.
Tại phiên họp này, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến các nội dung trong dự án Luật là: Về phân loại và sử dụng đơn vị đo; về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đo lường; về trách nhiệm quản lý Nhà nước, chi phí, giá… Đây là những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Điều 7, Điều 8 tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng: Quy định đơn vị đo pháp định của Việt Nam bao gồm các đơn vị thuộc Hệ đo quốc tế SI và các đơn vị đo không thuộc SI nhưng được quy định phù hợp với thông lệ quốc tế; Thừa nhận sự khác biệt giữa đơn vị đo pháp định với các đơn vị đo khác; cho phép sử dụng đơn vị đo cổ truyền khi có sự thỏa thuận giữa các bên và quy định việc quy đổi sang đơn vị đo pháp định khi giải quyết tranh chấp có liên quan đến sử dụng các đơn vị khác như trong dự thảo Luật.
Băn khoăn về quy định đơn vị đo, đại biểu Phùng Quốc Hiển nêu đối với vàng vật chất thì thực hiện theo quy chuẩn nào và ai kiểm soát. Theo đại biểu quy định nêu như vậy là chưa phù hợp và cần phải giải thích rõ thêm.
Về mức xử phạt hành chính, có ý kiến băn khoăn mức xử phạt không cao quá 5 lần tại thời điểm phát hiện là quá thấp, vì quá trình sai phạm trước thời điểm phát hiện sẽ xử phạt như thế nào. Theo đại biểu Phan Trung Lý, Điều 25 về Nguyên tắc xác định chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm thì cần xác định lại đúng là phí hay chi phí, nếu là chi phí thì không quy định ở đây.
Báo cáo thẩm tra dự luật Tài nguyên nước sửa đổi của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước sửa đổi như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ; nhấn mạnh nội dung của dự thảo Luật đã bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể hơn nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn.
Bốn vấn đề còn có ý kiến khác nhau Chính phủ xin ý kiến Quốc hội, có 2 vấn đề được thiết kế thành 2 phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thể hiện quan điểm đối với từng phương án để Quốc hội có cơ sở quyết định.
Đa số ý kiến đồng tình phạm vi điều chỉnh của dự án Luật theo hướng phòng chống khắc phục hậu quả do nước gây ra.
Nhiều ý kiến cho rằng nhiều điều trong dự án Luật còn chung chung, thiếu cụ thể, nhiều điều trùng lắp chồng chéo với nhiều luật khác. Chủ trương xã hội hóa trong điều luật hạn chế. Cần quy định đầy đủ quyền trách nhiệm của công dân với nguồn nước. Cũng có nhiều ý kiến đặt vấn đề nguồn nước có được quyển chuyển nhượng không?
Đại biểu Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự án luật có đến 1/3 Điều, quy định thiếu cụ thể và một số vấn đề không phù hợp luật như vấn đề thuế trong luật làm mất đi tính trung lập của luật và tính thống nhất của hệ thống luật cũng không còn. Nêu dẫn chứng cụ thể tại Điều 64 quy định về nguồn tài chính hoạt động tài nguyên nước, theo đại biểu chung chung không rõ ràng, nặng tính bao cấp không mang tính xã hội hóa.
Đại biểu Trương Thị Mai đề nghị bổ sung thêm chính sách nhà nước khuyến khích người dân cộng đồng tham gia bảo vệ tài nguyên nước. “Cần xác định rõ tiêu chí để người dân cùng tham gia và bổ sung thêm trách nhiệm cụ thể cùa Nhà nước đối với nguồn nước” – đại biểu Trương Thị Mai nêu rõ.
Cho ý kiến về các mối quan hệ quốc tế liên quan đến tài nguyên nước, đại biểu Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần thiết kế lại cho phù hợp với các quy định quốc tế đối với các nước có liên quan.
Đây là dự án Luật trình lần đầu, Ủy ban Thường Quốc hội đề nghị trình 2 phương án ra Quốc hội. Bên cạnh đó, Ban soạn thảo Luật cũng cần nghiên cứu, chỉnh sửa theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.