Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn cụ thể về định mức thuê nhà ở công vụ đối với cán bộ cấp trung ương, địa phương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an… Quyết định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2022 và thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ.

Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, qua 5 năm thực hiện, Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg đã tạo hành lang pháp lý giúp các địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn nhà ở công vụ, tạo điều kiện cho các cán bộ được điều động, luân chuyển từng bước ổn định cuộc sống, an tâm công tác. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, đã xuất hiện một số tồn tại, vướng mắc đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung của Quyết định này cho phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm sự thống nhất với các quy định của pháp luật.

 

Thay đổi nhằm phù hợp hơn với điều kiện thực tế cụ thể

PV: Thưa ông, Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, định mức nhà công vụ đối với cán bộ Trung ương và địa phương được xây dựng trên những cơ sở nào?

Ông Hà Quang Hưng: Một số nội dung tại Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg đã được sửa đổi, bổ sung như: Quy định về định mức trang bị nội thất hiện nay đã được điều chỉnh theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, quy định về tiêu chuẩn nhà ở công vụ cho cán bộ lực lượng vũ trang theo Nghị định số 76/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ... Do đó, cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.

Luật Nhà ở quy định đối tượng thuê nhà ở công vụ ở Trung ương có chức danh tương đương Thứ trưởng trở lên, ở địa phương có chức danh từ Giám đốc Sở trở lên. Trong khi, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương chủ trương chỉ quy định chức danh, vị trí việc làm thay cho quy định về hệ số phụ cấp chức vụ. Do đó, cần điều chỉnh bổ sung về chức danh, vị trí việc làm của các cán bộ thuê nhà ở công vụ cho phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Qua thực tế quản lý nhà ở công vụ cho thấy, tại khu vực đô thị hiện nay, nhu cầu nhà ở công vụ là nhà liền kề là khá nhiều, tuy nhiên, Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg chưa có quy định về tiêu chuẩn loại nhà ở này. Còn tại khu vực nông thôn quy định nhiều loại nhà công vụ nên các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện.

Mặt khác, định mức trang thiết bị nội thất theo Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg hiện không còn phù hợp so với thực tế mức giá hiện nay. Do đó, cần phải điều chỉnh, bổ sung các quy định cho phù hợp với thực tế.

Ngày 21/5/2018, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, trong đó bỏ quy định phụ cấp chức vụ lãnh đạo, hệ số lương.

Ngày 27/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8940/VPCP-CN, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ.

PV: Quyết định này có điểm gì mới, ưu việt so với Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg?

Ông Hà Quang Hưng: Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg về cơ bản kế thừa nội dung tiêu chuẩn diện tích đất, tiêu chuẩn diện tích nhà của Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg ngày 10/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn nhà ở công vụ. Tuy nhiên, Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg có một số điểm thay đổi nhằm phù hợp hơn với điều kiện thực tế cụ thể.

Về nội dung liên quan tới tiêu chuẩn, định mức, hiện nay, ngoài loại nhà ở công vụ là biệt thự và chung cư, còn có nhà ở tập thể nhiều gian và nhà ở liền kề, tuy nhiên Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg chưa quy định cụ thể các loại nhà ở này, do đó, Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg đã bổ sung loại hình nhà ở công vụ mới là nhà ở tập thể nhiều gian và nhà ở liền kề, đồng thời điều chỉnh, bổ sung định mức trang bị đối với từng loại hình nhà ở.

Liên quan tới chức danh, vị trí việc làm được thuê nhà ở công vụ, Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể các chức danh, vị trí việc làm được ở nhà công vụ cho phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương bao gồm: Quy định cụ thể các chức danh được ở nhà công vụ từ Trung ương đến địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, Trung ương thì cán bộ từ cấp Thứ trưởng và cấp tương đương trở lên; ở địa phương,  cán bộ, công chức, viên chức được điều động đến công tác tại khu vực nông thôn xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới, hải đảo và cán bộ công chức từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên.

Quyết định số 27/2015/QĐ-TTg có quy định cả tiêu chuẩn, định mức về nhà ở công vụ của các lực lượng vũ trang (quân đội, công an). Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đang áp dụng tiêu chuẩn nhà ở công vụ theo Nghị định số 76/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng. Bộ Công an thực hiện việc trang bị nội thất cho nhà ở công vụ theo Nghị định số 18/2013/NĐ-CP ngày 21/02/2013 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng công an nhân dân. Do tiêu chuẩn nhà ở công vụ của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có tính chất đặc thù nên cần có quy định về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ cho phù hợp, đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về nhà công vụ, đồng bộ với các pháp luật hiện hành. Do đó, Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg chỉ nêu nguyên tắc tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang, không quy định cụ thể tiêu chuẩn nhà ở công vụ của lực lượng vũ trang.

Không còn tình trạng chây ỳ không trả lại nhà ở công vụ

PV: Việc ban hành Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg có giải quyết được những tồn tại trong công tác quản lý nhà ở công vụ hay không, đơn cử như vấn đề chây ỳ trả nhà công vụ gây bức xúc dư luận thời gian qua?

Ông Hà Quang Hưng:Tại điểm đ Khoản 2 Điều 34 của Luật Nhà ở quy định người thuê nhà ở công vụ có trách nhiệm và nghĩa vụ: Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ”.

Cùng với đó, tại điểm e Khoản 2 Điều 34 của Luật Nhà ở quy định trách nhiệm và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ: Chấp hành quyết định cưỡng chế thu hồi nhà ở của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị cưỡng chế thu hồi nhà ở.

Như vậy, pháp luật về nhà ở công vụ đã có quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng, trách nhiệm và nghĩa vụ của người thuê nhà ở công vụ, quy trình cưỡng chế thu hồi nhà ở công vụ, Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg chỉ quy định tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ đối với từng chức danh cụ thể. Năm 2020, có một số cán bộ thuê nhà ở công vụ khi hết tiêu chuẩn ở nhà công vụ chưa bàn giao lại nhà ở này theo quy định do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa bố trí bàn giao được, Bộ Xây dựng đã có thông báo đôn đốc, nhắc nhở và giữa năm 2020, tất cả cán bộ chưa trả lại nhà đã ký biên bản thanh lý hợp đồng, bàn giao lại nhà ở công vụ của Chính phủ, đến nay, không còn diễn ra tình trạng chây ỳ không trả lại nhà ở công vụ.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với các cơ quan liên quan và người thuê nhà công vụ để quản lý quỹ nhà ở công vụ của Chính phủ đảm bảo hiệu quả hơn theo quy định của pháp luật về nhà ở hiện hành.

PV: Xin cảm ơn ông./.