Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, ngày 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai đồng thời thảo luận về dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Theo báo cáo kết quả giám sát, từ năm 2003 - 2010, số đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai bình quân hàng năm chiếm gần 70% trong số các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trong đó, tỉ lệ khiếu kiện đúng và đúng một phần chiếm tới 67,3%.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Những con số này cho thấy tình hình khiếu nại tố cáo về đất đai đang diễn ra rất nghiêm trọng, đồng thời cũng phản ánh nhiều sai sót trong lĩnh vực quản lý hành chính về đất đai cần được nhanh chóng chấn chỉnh, hoàn thiện.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích nguyên nhân chủ yếu phát sinh khiếu kiện về đất đai là hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai hiện nay còn nhiều bất cập; công tác tổ chức thi hành pháp luật cũng như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân còn yếu kém. Nạn tham nhũng đất đai, vấn đề định giá đất, bồi thường và giải quyết việc làm cho người dân khi bị thu hồi đất còn bất cập cũng góp phần làm nảy sinh khiếu kiện trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định: Nguyên nhân của việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, không phải chỉ do cơ chế giải quyết của vấn đề khiếu nại tố cáo, hay thủ tục để giải quyết khiếu nại tố cáo mà nguyên nhân xuất phát từ những quy định về chính sách pháp luật liên quan đến đất đai. Ví dụ như vấn đề chính sách giá về đất, chính sách thu hồi, giải tỏa, đền bù như thế nào, chính sách hỗ trợ tái định cư như thế nào. Tất cả là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình khiếu nại tố cáo về đất đai tăng lên.
Trong chiều 18/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 3 vấn đề lớn được nhiều đại biểu được tập trung phân tích là quy định về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài tài sản, thu nhập; về công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và quy định về Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận định: Kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung còn hình thức, hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng rất thấp. Vì vậy, đề nghị cần quy định cụ thể hơn một số nội dung liên quan đến kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập.
Nhiều ý kiến tán thành với quy định đối tượng kê khai tài sản, thu nhập bao gồm người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng và Đảng viên đang công tác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Liên quan đến việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: Giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư đứng đầu.
“Khi Đảng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng cũng nhằm mục đích chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng không chỉ trong Đảng mà cả trong hệ thống chính trị. Do đó ban chỉ đạo này có thể trực thuộc đảng, trực thuộc bộ chính trị. Nhưng về phía Nhà nước trong luật phòng chống tham nhũng theo tôi vẫn phải có quy định về ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Do đó tôi đề nghị chọn phương án 2 là phù hợp, tức là trong luật này vẫn giữ ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng còn cách thức tổ chức như thế nào do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định” - Ông Phan Trung Lý nêu ý kiến.
Để khắc phục tính hình thức và kém hiệu quả trong kê khai tài sản, thu nhập, dự án luật quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi làm việc, công tác và nơi cư trú của cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên để cơ quan, tổ chức hoặc cộng đồng dân cư giám sát. Tuy nhiên, với điều kiện thực tế hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị chỉ công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại nơi thường xuyên làm việc, công tác./.