Ngày 29/, tại TP.HCM, Ban Kinh tế-Ngân sách - HĐND thành phố tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, nhất là liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ. Có ý kiến cho rằng trong Hiến pháp phải ghi rõ việc nghiêm cấm những hoạt động khoa học công nghệ với động cơ hoặc có thể gây nguy cơ chống lại Tổ quốc, chống lại xã hội loài người, gây phương hại đến an ninh xã hội.
Điều 67, mục 1 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi “Khoa học công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực phát triển”, một số ý kiến đề nghị nên bổ sung “Khoa học công nghệ giữ vai trò nền tảng”. Dự thảo cũng chưa đề cập rõ vai trò của đội ngũ trí thức trong sự phát triển lĩnh vực này. Bà Nguyễn Thị Dung, Viện phó Viện nghiên cứu giáo dục TP HCM nêu ý kiến: Hiện giờ chúng ta đang xem giáo dục khoa học công nghệ là chính sách hàng đầu của Việt Nam và điều này cho thấy Nhà nước và Đảng rất quan tâm đến việc phát triển đất nước, đặc biệt lấy vai trò của khoa học công nghệ làm động lực then chốt để phát triển. Tôi nghĩ rằng để phát triển KHCN thì không chỉ khuyến khích mà phải tạo điều kiện giúp cho những tổ chức, cá nhân có thể tham gia hoạt động KHCN. Đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của các Hiệp hội nghề nghiệp, ở Việt Nam ngoài các ngành như y tế, luật… thì còn nhiều lĩnh vực khác chưa có vai trò của những hiệp hội này. Tôi thấy đây là một trong những điều mà khi sửa đổi Hiến pháp và sau đó là sửa đổi luật thì Nhà nước chúng ta cần chú ý.
Góp ý Điều 27, mục 1 Dự thảo Hiến pháp về “công dân nam nữ bình đẳng, có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và gia đình”, có ý kiến cho rằng: hiện nay vấn đề tuổi nghỉ hưu vẫn có sự phân biệt giữa nam và nữ, trong khi Hiến pháp ghi rõ “nghiêm cấm mọi phân biệt đối xử về giới”. Ngoài ra, Điều 58 quy định việc “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội”, nhiều đại biểu đề xuất cần bỏ câu “và các dự án phát triển kinh tế-xã hội” vì dễ bị nhiều người lợi dụng vào mục đích cá nhân.
Trong Điều 4 Dự thảo Hiến pháp có ghi “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân” nhưng cơ chế giám sát chưa có, cần phải bổ sung thêm.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị nên giải trình lý do và sự cần thiết của các nội dung mới được đưa vào cũng như các nội dung bỏ đi của Hiến pháp năm 1992, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc góp ý dự thảo để tạo sự thống nhất chung trong thực hiện. Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói: Trong Dự thảo Hiến pháp tôi thấy đã đưa rõ hơn về quyền con người. Đa số các vấn đề quy định về “công dân”, “quyền công dân” trước đây đã chuyển sang “mọi người” và “quyền con người”. Tôi nghĩ đó là hướng cũng rất tốt. Thế nhưng cũng phải thống nhất ngay từ đầu “quyền con người”, “quyền công dân” là gì, sự khác nhau của nó như thế nào và tại sao phải đưa vào Hiến pháp những cái phân biệt như thế. Phải giải thích rất rõ để mọi người cùng hiểu và cùng tham gia vào sự điều chỉnh Hiến pháp này, cũng như sau này cùng thực hiện, nếu cách hiểu khác nhau thì thực hiện sẽ khác nhau./.